Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Truyện ngắn] Sông trôi về đâu

Hoàng My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trà mua căn nhà ngó ra bờ sông Gành lộng gió này từ nhiều năm trước. Giá cả cũng rẻ bèo, vì chẳng ai muốn ngó ra bờ sông buồn thê thiết ấy.

Khi đó, vợ chồng còn đang cơm lành canh ngọt. Chính xác hơn, là Trà còn dành nhiều năng lượng và thiện ý cho mối quan hệ hôn nhân thuở đó. Chồng Trà ít khi cản vợ việc gì, nhưng anh cũng chẳng ủng hộ.
Anh cứ lờ nhờ mà sống, sáng xách cặp tới một cơ quan cấp sở, an phận làm anh công chức, chiều cùng đồng nghiệp uống khá nhiều chai bia ở hàng quán. Rồi về. Hôm vui thì lăn ra ngủ. Bữa buồn thì tâm sự với vợ. Rằng số tôi đổ vỏ nên đời mới tàn mạt thê thảm như này. Đúng là định mệnh mà.
Mấy lúc đó, thường Trà chỉ im lặng. Đi pha ly nước chanh nóng thật chua, hoặc khuấy miếng bột sắn dây cho chồng giã rượu. Chồng hôm vui thì vừa uống vừa nhìn vợ trừng trừng. Bữa buồn thì hất đổ cả ly nước. Mảnh chai tung tóe ra nhà. Trà vốn sợ các vật sắc nhọn ấy, sợ máu, sợ cả những âm thanh kim loại va vào nhau rờn rợn.
 Minh họa: An Chi
Những lần đầu đối mặt với tâm tư của chồng, lòng Trà dậy sóng. Hóa ra, chồng chưa từng bước qua. Chưa từng tha thứ. Chưa từng quên đi, như lời chồng đã thề thốt hứa hẹn. Kiểu như, ai chẳng có quá khứ, quan trọng là hiện tại mình thật lòng sống với nhau. Anh sẽ không để em phải thất vọng đâu. Sao không thử một lần đặt niềm tin ở anh cơ chứ! Anh có gì không bằng thằng đó đâu, hở Trà?
Đăng là trai nhà giàu. Xưa, gia đình anh là chủ cái tiệm vàng to nhất thị xã, khách mua bán ra vô nườm nượp. Đăng hát hay, đàn giỏi, vẽ đẹp. Nét tài hoa thể hiện ở dáng người cao to lãng tử cùng mái tóc bồng bềnh như sóng. Đăng và Trà yêu nhau vào năm cuối bậc phổ thông. Mối tình thơ dại mà đầy mê đắm. Trà nhớ những lần ngồi sau lưng Đăng để đi vườn ổi, vườn táo, vườn nhãn chơi.
Cùng nhau hái trái bỏ vào trong nón lá, kèm theo cành nhánh lẫn lộn với lá. Trà vô cùng yêu những khoảnh khắc êm đềm hạnh phúc đó. Thuở ấy thị xã còn vắng lắm, xe đạp là chủ yếu. Thi thoảng có chiếc xe máy chạy ngang, còn ô tô thì họa hoằn mới thấy. Trà nép vào lưng Đăng, lắng nghe mùi mồ hôi của chàng thanh niên mười chín đang guồng từng vòng xe ngược gió. Vai áo Đăng phồng lên, thương thương là…
Cuộc sống quả là không có gì nói trước. Chỉ sau một đêm, cái tin nhà Đăng vỡ nợ lan khắp thị xã. Mọi người xì xầm, cười cợt, bàng hoàng trước việc gia đình anh đã dắt díu nhau trốn khỏi thị xã. Ngay cả một lần gặp sau cuối cũng là không có. Ngày ấy, rời ra là biền biệt xa khuất, mất liên lạc hẳn. Là chẳng biết đến khi nào mới có thể gặp lại nhau. Là vô phương tuyệt vọng.
Trà cũng gắng gượng xong lớp mười hai, tạm biệt thị xã, đi xa học. Đời bể dâu, nên anh đã biệt quê nhà, câu hát xót xa đầy văn hoa mờ mịt ấy đúng đến khó ngờ. Khi Trà gật đầu, lên xe hoa cùng người đàn ông bấy lâu vẫn đeo đẳng, thì mới nhận ra, hình ảnh Đăng vẫn chưa kịp phai nhòa. Nhưng Trà đã quyết định cất quá khứ vào một ngăn nhỏ, khóa lại. Chìa khóa, Trà thả xuống dòng sông Gành mùa nước lên cao, đục ngầu…
Sai lầm có lẽ bắt đầu từ sự thật thà và chân thành của Trà. Khi quyết định gắn đời mình với chồng, Trà đã nghĩ rằng, hãy mở lòng ra, đừng giấu diếm che đậy. Không thể bắt đầu một hành trình dài bằng sự lừa rồi. Rằng Trà đã từng một lần yêu. Người con trai tên Đăng ấy nhiều năm nay bỏ xứ tha hương đâu đó.
Hẳn họ quên Trà lâu rồi. Quên những sớm mai ở bến đò ngập ngời tà áo trắng, Trà ngong ngóng mong một dáng người quen thuộc. Quên cô gái nhỏ đã giã từ thời thiếu nữ trong một đêm cuối tháng không trăng, trời vằng vặc đầy sao. Và đom đóm nhiều đến nỗi, tưởng như có thể soi được giọt nước mắt Trà long lanh lúc ấy. Trà khóc không hề vì tiếc nuối hay ân hận.
Ngay cả khi hạnh phúc không mỉm cười với cuộc sống lứa đôi của mình, Trà cũng chẳng hối hận vì đã thẳng thắn với chồng, từ đầu. Trà lẳng lặng chịu đựng sự ghen tuông hằn học ấy. Có khi, giữa cuộc ái ân vợ chồng, người đàn ông nghiến vào da thịt Trà vài dấu răng hoặc cái móng tay. Đau điếng. Hơn cả sự cay cú thù hằn.
Con gái Trà chào đời vào một ngày ít gió. Con sông trước nhà chỉ gợn lăn tăn thôi, nhưng sóng từ đâu đó vẫn cuồn cuộn từng lớp ở cái nơi được gọi là tổ ấm của Trà. Lý do thì không khó để hiểu: Sau mười mấy năm phiêu bạt, Đăng đã quay về xứ, là một anh Việt kiều có của ăn của để, phong độ bảnh bao so với vẻ công chức nhà nước vẫn không che đậy được cái gốc nông dân bùn lầy váng phèn của chồng Trà.
Mà lúc đó, cảnh nhà Trà vẫn còn chạy ăn từng bữa. Con khát sữa, Trà cũng đành rơi nước mắt bất lực, cố ăn thêm chén cơm với món mặn, uống từng ly nước lã, những mong sữa về. Nỗi thống khổ thiếu thốn hằn sâu trong đôi mắt mất ngủ mỏi mệt của Trà. Đàn bà xứ này khổ quá. Lấy chồng càng thêm khổ.
Đàn ông chốn này gia trưởng độc đoán, tự cho mình cái quyền làm chủ gia đình, chuyện gì cũng muốn tự ra oai quyết định. Còn đói no của vợ con, mặc kệ. Chỉ muốn vung vinh thể hiện sự tươm tất ảo tưởng ra ngoài.
Khi bé Thỏ thôi nôi cũng là lúc Trà quyết định rời khỏi cái văn phòng bé tí mà đầy ắp sự ganh tỵ hơn thua kia mà bung ra ngoài. Làm gì cũng được, Trà quyết không để đói nghèo đeo đẳng mãi. Trà cực nhọc từ tấm bé rồi, Trà không thể để con mình lớn lên trong cảnh thiếu hụt nữa. Trà gom góp mọi thứ rồi đi buôn.
Mua khô cá, tôm khô, ba khía muối, dưa bồn bồn, cốm dẹp bánh phồng… đặc sản địa phương rồi rao bán trên mạng. Những buổi trưa đi giao hàng, ra nhà xe gởi hàng ngập trong chang chang khói bụi. Trà khó khăn giữ thăng bằng cho thùng hàng được ràng buộc phía sau lẫn túi lớn túi nhỏ treo đầy ở cổ xe phía trước. Tay chân đàn bà yếu ớt cố gánh gồng lên giữa nắng gió.
Ai đó từng khuyên rằng, ngay cả khi đi đổ rác, bạn cũng nhất định phải đẹp, phải thơm. Hãy đánh phấn hồng, tô son môi, và xức nước hoa thơm nức. Là đàn bà, bạn đừng quên ăn diện. Bởi biết đâu, và lúc bạn lòe xòe lôi thôi nhất, bạn sẽ gặp lại người yêu cũ thì sao nhỉ! Trà là minh chứng rõ nhất cho cái chân lý buồn cười ấy.
Đăng bắt gặp Trà đang quần tây rộng thùng thình, áo xống cũ kỹ nhàu nhĩ đang chở theo một lố khô cá chạy nhơi nhơi trên đường. Hỏi rằng, phải Trà đấy không em? Người đàn bà trong ký ức của Đăng cười như mếu, cố lảng tránh ánh mắt đăm đăm vì xa xót ấy. Tự trách mình sao không biết thực hành theo những gì đẹp đẽ thiên hạ đã đúc kết và chia sẻ trên mạng cơ chứ!
Khi ấy, Trà đã ly hôn chồng, sau khi kịp sinh thêm đứa con thứ hai bị tự kỷ. Căn bệnh thời thượng ấy vì đâu ám vào đời mẹ con Trà thì chẳng rõ. Lẽ nào vì Trà đã quá buồn lo trong lúc mang bầu, ngang qua suốt thai kỳ bằng sự buồn tủi uất ức chăng? Hay bởi nó chào đời trong sự ghẻ lạnh và chối bỏ của người cha sinh học, đang lồng lộn tuyên bố, biết có phải con tôi không mà tôi phải quan tâm?
Chồng Trà nghe miệng đời đồn đoán tới tai rằng, con trai chủ tiệm vàng năm xưa giờ giàu có thành đạt, vẫn chưa cưới vợ sinh con, chẳng phải là vì quá nặng lòng với mối tình thanh mai trúc mã đó ư? Huống gì, chồng Trà, nay chính xác đã là chồng cũ, vẫn chưa từng bước qua được cảm giác bị lỗ lã thiệt thòi khi rước về cô vợ chẳng thể dành lần đầu vẹn nguyên cho mình!
Không chủ đích, nhưng cái câu “tình cũ không rủ cũng tới” vẫn vận vào đời Trà. Đăng đôi lần tới lui thăm nom mấy mẹ con Trà, cám cảnh một nách hai con của người đàn bà lam lũ. Người cũ phân tích lạnh lùng rằng, hay là đưa con cho ba nó nuôi. Một mình Trà sao có thể gồng mình với hai đứa trẻ cơ chứ. Chưa kể, một đứa còn chẳng ra cái hồn người, cứ ngoặt ngẹo ru rú hoặc gào thét tối ngày như này.
Hãy thu xếp lại, rồi thì… Đăng dịu dàng toan tính thế. Trà lẽ ra phải vui mừng trước viễn cảnh sum vầy, nhưng chẳng hiểu sao lòng chỉ toàn nghi ngại. Trà nhìn thấy ý tứ sợ hãi việc phải chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm với mình. Trà chua chát cười. Hóa ra, họ giờ vẫn chỉ nhìn thấy mỗi mình Trà. Nên chẳng hiểu, Trà không còn có thể đơn độc sống cho riêng bản thân nữa rồi. Trà đã thêm những ràng buộc với hai sinh linh bé bỏng kia...
Bản năng làm mẹ của Trà lớn lắm. Trà sao có thể bỏ con. Trà quần quật lao động. Nơi nào có thể kiếm được tiền, Trà đều lăn xả vào đấy, chẳng nề hà sang hèn, tay chân hay trí óc. Đôi khi, Trà còn tự thấy nể mình, sao không hề có khái niệm “việc của đàn ông” gì cả! Cuối cùng, Trà đã vượt qua cái giai đoạn tưởng đâu gục ngã ấy. Mọi thứ đều ổn dần. Cái đầm nước thiên nhiên này đã cứu Trà.
Trà nuôi cá, nuôi tôm, thả cua giống. Rồi thu hoạch. Phơi khô ngay trên bờ cỏ dọc ngang những cái ràng tre sạch sẽ. Thời của đồ ăn độc địa nhan nhản, nên những món thuần tự nhiên của Trà bỗng được ưa chuộng. Các dự án mở đường, xây dựng này nọ đã khiến cho căn nhà Trà đang ở trở nên có giá. Trà làm việc như điên. Trà lao vào tất cả những bận bịu để nguôi quên. Nhưng vẫn có những khoảnh khắc yếu đuối ở đâu tự tìm đến…
Trà soi mình trong gương. Cơ thể đàn bà đương tuổi chín muồi đầy khao khát. Bé Thỏ sắp thành thiếu nữ. Con trai Trà đã có lớp có trường nhận dạy dỗ. Trà có quyền hạnh phúc không? Ai trả lời cho Trà câu hỏi khó đó? Chỉ có gió sông vẫn miệt mài thổi mãi. Y như cảnh ba người trong cuộc vẫn chưa ai đi tiếp trên con đường tình ái cả. Đăng nhiều lần tỏ ra hối tiếc vì sự chối từ của mình lúc ấy.
Anh cẩn trọng giữ liên lạc với Trà, dè dặt hơn, trân quý hơn, nhưng cũng vì thế mà Trà càng cảm thấy tất cả đã xa lắm rồi, không gì có thể níu lại được. Chồng cũ của Trà tiếp tục ơ hờ mà sống, khi nhận ra Trà cũng chẳng có ý định với ai kia thì siêng tới thăm con hơn. Chịu khó đỡ đần Trà mỗi khi có việc. Trà bỗng dưng thành người đàn bà sáng giá, khi được săn đón bởi cả hai người xưa. Thật là!
Bạn bè người thân hỏi han, nhắc Trà yêu đi. Đừng lãng phí nữa. Thanh xuân nhanh lắm. Vùn vụt lắm. Trà lại đang quá mặn mà quyến rũ. Căng đầy trải nghiệm. Trà nghe xong, chỉ khẽ cười. Con sông Gành vẫn muôn đời chia thành đôi ngả, ngập ngời thứ ánh sáng lấp lánh, chứ chẳng còn thăm thẳm tối nữa.
Những ngôi nhà tỏa rạng đèn vàng ấm áp trong đêm. Chỉ riêng Trà bao lần ngang qua sông Gành quen thuộc là cứ tần ngần tự hỏi, mình vẫn đang chờ mong gì ở mùa nước năm nào?