Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ các vấn đề thực tiễn, đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát triển khai gói hỗ trợ Covid-19 và bổ nhiệm cán bộ

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, 21/7, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Trong đó, các đại biểu đề xuất cần giám sát việc giải ngân gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; công tác bổ nhiệm cán bộ….

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 trình Quốc hội xem xét 4 chuyên đề, chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Cụ thể:
Chuyên đề 1 tập trung việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021;
Chuyên đề 2 việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành;
Chuyên đề 3 việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021;
Chuyên đề 4 việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
 Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tại Kỳ họp
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ gây khó khăn cho công tác giám sát thời gian tới, do đó cần có kịch bản cho việc giãn cách, đi lại. Nên bố trí nhân sự tham gia đoàn, lãnh đạo đoàn giám sát theo hướng danh sách mở, tức khi khu vực nào có dịch thì phân công đại diện đoàn giám sát ở khu vực đó thực hiện.
Ngoài 4 chuyên đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, đại biểu cho rằng, "dịch bệnh bùng phát từ 2020, hiện vẫn khốc liệt, có thể và sẽ tiếp tục tái đi tái lại đến 2022. Có thể dịch diễn ra dài, kể cả khi các nước châu Âu hay Mỹ đã tiêm chủng rồi nhưng người dân vẫn mắc tái đi, tái lại. Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội quan tâm đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho người dân doanh nghiệp là rất quan trọng.  

"Bên cạnh vấn đề thực hiện tốt công tác tiêm vaccine, thực hiện 5K thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Do đó tôi đề nghị Quốc hội cần có giám sát về gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp năm 2020 là 62.000 tỷ đồng và năm nay là 26.000 tỷ đồng xem các bộ, ngành, địa phương thực hiện ra sao”- đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, 2 chuyên đề về thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cơ sở pháp lý chưa vững chắc, cần tổng kết đánh giá trước khi trình giám sát để kín kẽ hơn. Nên tập trung vào chuyên đề người dân đang rất quan tâm hiện nay, đó là thực hiện chính sách pháp luật trong bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ.
Theo đại biểu, ngay ở Quốc hội, Hội đồng bầu cử vừa qua đã phải loại một đại biểu được bầu nhưng không đủ tư cách, lý do vì vi phạm trước đó rất nhiều năm. Điều đó có nghĩa là công tác triển khai các quy định về tổ chức nhân sự có những lúc tùy tiện, thiếu nhất quán và không chọn đúng người. Nếu như giám sát chuyên đề này có kết quả sẽ là thúc đẩy mạnh mẽ với Quốc hội và Chính phủ xốc lại đội hình, nâng cao chất lượng bộ máy để thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược của 5 năm tới.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị đưa vào giám sát tối cao việc sử dụng tài sản công, khi thời gian qua vi phạm rất nhiều nhưng ít kiểm tra, giám sát. Việc Quốc hội giám sát tối cao sẽ góp phần chỉnh đốn lại pháp luật và công tác quản lý sử dụng tài sản.
 Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề hậu giám sát. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, “sau khi kiểm tra, giám sát xong rồi thì phần lớn các báo cáo hậu giám sát còn rất ít. Thậm chí có những việc chúng tôi không biết sau khi giám sát xong rồi thì đơn vị đó, địa phương đó thực hiện những yêu cầu của đoàn giám sát như thế nào”.

Qua đó, các đại biểu đề nghị lần này hãy quan tâm khi lập chương trình, việc hậu giám sát giao cơ quan, đơn vị nào, cá nhân nào thực hiện theo dõi báo cáo Quốc hội. Các địa phương, đối tượng được giám sát có kết quả gì, thực hiện ra sao. Tổ chức giám sát công phu nhưng kết quả thực hiện kiến nghị thế nào phải hết sức lưu ý, kể cả kiến nghị với các ngành và Chính phủ.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và thực hiện ngay ở năm đầu nhiệm kỳ. Trong đó, định hướng, xác định nội dung tổng quan cho cả nhiệm kỳ khóa XV. Trên cơ sở đó, hàng năm, Quốc hội sẽ xem xét, lựa chọn, quyết định những nội dung chuyên đề giám sát cụ thể, có lộ trình, đảm bảo tầm nhìn toàn diện và căn bản hơn. Trong tình hình phát sinh đột xuất thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo với Quốc hội để điều chỉnh bổ sung nội dung giám sát phù hợp hơn.