Tuy nhiên, từ nhận thức trở thành thói quen tiêu dùng hằng ngày của người dân ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam vẫn tiếp tục cần những nỗ lực từ cơ chế chính sách đến cách làm của doanh nghiệp.
Theo một thống kê mới nhất của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sức mua của người tiêu dùng với hàng Việt ngày càng tăng cao và có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt; tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70%...
Những con số biết nói này chứng minh những nỗ lực của rất nhiều bộ, ngành, địa phương, những cách làm chủ động, sáng tạo của cộng đồng DN trong việc nâng cao chất lượng, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời cũng minh chứng cho thấy nhận thức của người Việt đã dần thay đổi khi mà hàng Việt đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt. Trong đó, nhiều thương hiệu Việt không những chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước mà còn vươn đến nhiều thị trường thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một rào cản lớn hiện nay đối với việc triển khai Cuộc vận động, đó là tình trạng mua bán hàng hóa của người tiêu dùng qua môi trường internet ngày càng cao, hoạt động chào bán hàng online không thông tin khai báo và đăng ký kinh doanh diễn biến phức tạp, nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Trong khi đó vẫn còn bộ phận nhỏ người tiêu dùng có tư tưởng sính hàng ngoại, chưa thực sự tin tưởng chất lượng hàng hóa, sản phẩm Việt.
Cùng với đó, cũng phải kể đến việc trong danh mục hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng vẫn còn khá khiêm tốn. Nếu như với thế mạnh về nông nghiệp, sản phẩm khá phong phú với các phong trào OCOP, đặc sản vùng miền… thì những ngành, lĩnh vực khác như công nghiệp, công nghệ, du lịch, dịch vụ chất lượng cao… sản phẩm lại khá khiêm tốn, thậm chí nhiều khâu chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Những hạn chế này có không ít nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển hàng sản xuất trong nước; tạo cơ chế để DN tiếp cận vốn ưu đãi, quảng bá, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, một chiến lược hoàn chỉnh cạnh tranh quốc gia… Ngoài ra là những biện pháp hữu hiệu xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, khuyến khích, bảo vệ người tiêu dùng.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang tạo những chuyển biến tích cực từ xây dựng chiến lược, sản xuất, quảng bá sản phẩm đến thay đổi trong cách lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để đạt những mục tiêu mà Cuộc vận động đưa ra cũng như phát huy tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm, dịch vụ trong nước vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong quá trình đó sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước, DN và người dân ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. Cùng với đó là những thay đổi trong thói quen mua sắm hằng ngày của mỗi người, góp phần vào kích thích sản xuất, tạo nguồn nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tích cực, bền vững.