Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp: Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DN do Bộ Tư pháp đang xây dựng, đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Nhiều mô hình hỗ trợ doanh nghiệp
Trên cơ sở Nghị định số 66, để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng, hoàn thiện các mô hình hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Ở các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN được giao cho Sở Tư pháp làm đầu mối chủ trì thực hiện. Với nỗ lực nhằm đem lại hiệu quả trong công tác này, nhiều địa phương đã mạnh dạn đưa vào thử nghiệm những hình thức mới. Tại các tổ chức đại diện cho DN và các tổ chức triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho DN đã triển khai hiệu quả mô hình “Cà phê doanh nhân”, “Cà phê DN thứ 7” (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh...) nhằm rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan nhà nước với DN, là địa chỉ để giải đáp các thắc mắc pháp lý cho DN và tiếp nhận các kiến nghị của DN về hoàn thiện pháp luật.
 Một văn phòng luật hỗ trợ tư pháp cho người dân và doanh nghiệp.
Để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ cho DN nói chung và hỗ trợ pháp lý cho DN nói riêng, tại tỉnh Bắc Ninh cũng đã triển khai mô hình “Bác sĩ DN”. Đây là mô hình sáng tạo nhằm thực hiện chủ trương hỗ trợ cho DN, Chính phủ đổi mới, sáng tạo, giúp chẩn đoán “bệnh pháp lý” để chữa bệnh cho DN. Mô hình này bắt đầu từ tỉnh Bắc Ninh và đang được nghiên cứu thí điểm sang các tỉnh khác.

Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các mô hình hỗ trợ pháp lý cho DN bước đầu đã tạo ra các “điểm sáng” trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, hình thành các mô hình hiệu quả cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của các loại hình DN, phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa bàn trên cả nước.

Hỗ trợ DN nhỏ và vừa

Sau gần 10 năm thi hành Nghị định 66 cho thấy, các nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN được thực hiện còn gặp nhiều khó khăn cần được nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế. Ở các bộ và cơ quan ngang bộ, kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ, nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này trong thời gian qua. Còn tại các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, kinh phí sử dụng vào hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN còn hạn chế và chỉ tập trung ở các TP lớn.

Bên cạnh đó, nhân lực triển khai trực tiếp công tác hỗ trợ pháp lý cho DN đa số là kiêm nhiệm, các luật sư/tổ chức hành nghề luật sư còn thiếu và chất lượng dịch vụ pháp lý chưa cao. Trong khi đó, Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho DN cũng không có nhân sự chuyên trách để triển khai công tác này.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 66 do Bộ Tư pháp xây dựng dự kiến sẽ bổ sung các nguyên tắc mới như hỗ trợ gián tiếp DN nhỏ và vừa (DNNVV), nguồn lực hỗ trợ, ưu tiên DN do nữ làm chủ… nghiên cứu phương án xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật trực tuyến cho DNNVV theo hướng các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm trả lời các yêu cầu của DNNVV. Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác tư vấn pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho DNNVV với các điều kiện, thủ tục cụ thể.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng xác định cần xây dựng và hoàn thiện Nghị định theo hướng có trọng tâm trên cơ sở nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DN trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực, từng vùng và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, “mở” khả năng cấp kinh phí cho tổ chức đại diện cho DN khi chương trình hỗ trợ pháp lý do tổ chức đó đề xuất được phê duyệt và tự tổ chức thực hiện.