Tuyên truyền phổ biến pháp luật: Nhiều mô hình đã “bám rễ” vào đời sống

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh các hình thức truyền thống, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ngày càng có nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Việc đổi mới các hình thức tuyên truyền nhằm từng bước đưa công tác PBGDPL đi vào chiều sâu.

Nếu như trước đây, công tác PBGDPL luôn bị coi là xơ cứng, khó hiểu, khó tiếp thu thì nay bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan tư pháp, các hình thức tuyên truyền đã liên tục được làm mới. Công tác PBGDPL được ngành Tư pháp chú trọng vào các văn bản quy phạm pháp luật mới, các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, DN; tư vấn, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và những vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Việc PBGDPL trong nhà trường, chủ trương xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, internet trong công tác PBGDPL được chú trọng. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tập đoàn giáo dục Egroup tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho học sinh THPT năm 2017 tại 17 tỉnh, TP, thu hút gần 200.000 học sinh tham gia.
 Học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ tham gia thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật. Ảnh: Hải Thanh
Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức PBGDPL, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, bảo đảm quyền được thông tin pháp luật của công dân. Đơn cử như Hà Nội tổ chức Cuộc thi sân khấu “Tìm hiểu pháp luật về phòng cháy, chữa cháy”; TP Hồ Chí Minh với “Bộ sách nói pháp luật dành cho người mù”, tỉnh Bến Tre tổ chức mô hình "Đội hình Luật gia trẻ" tham gia PBGDPL...
Đáng chú ý, Ngày Pháp luật tiếp tục được bộ, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai rất linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn và hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Trong năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 1.240.637 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho 80.239.972 lượt người; phát miễn phí 63.396.828 tài liệu tuyên truyền, PBGDPL.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hòa giải thành tiếp tục tăng so với những năm trước, góp phần tích cực vào việc xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Việc không ngừng đổi mới các hình thức tuyên truyền tạo nên sức hút cho các đối tượng thụ hưởng. Cán bộ, công chức và cả người dân không còn cảm thấy các buổi tuyên truyền quá cứng nhắc theo kiểu độc thoại mà có sự trao đi đổi lại, tạo nên hiệu ứng tích cực, mang lại diện mạo mới cho công tác PBGDPL.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Lân - Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp), nội dung, hình thức PBGDPL tuy đã đổi mới nhưng vẫn chưa sát với đặc thù của từng địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng; chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia PBGDPL. Nội dung PBGDPL vẫn còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ.

Năm 2018, một trong những nhiệm vụ của công tác PBGDPL là tập trung tuyên truyền vào những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, những văn bản pháp luật mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường, chú trọng PBGDPL cho đối tượng đặc thù. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường xã hội hóa các hoạt động PBGDPL và tiếp tục triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để công tác này ngày càng thực sự ăn sâu, bám rễ vào đời sống.