Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyệt đối không ăn nấm mọc hoang dại

Hoàng Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi năm, trên cả nước có hàng trăm ca nhập viện do ngộ độc nấm. Để phân biệt giữa nấm độc với không độc rất khó, ngay cả chuyên gia cũng có thể nhầm. Thế nhưng, nhiều gia đình vẫn vô tư hái nấm rừng về ăn và hệ quả là những cuộc ngộ độc tập thể, có trường hợp tử vong cả gia đình do ăn chung một nồi canh nấm.

 Bệnh viện Đà Nẵng điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm
Mới đây nhất, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng và BV Phụ sản Nhi Đà Nẵng tiếp nhận 3 người trong một gia đình ở Quảng Ngãi bị ngộ độc nấm dẫn đến tử vong. Nạn nhân là vợ chồng anh Đinh Văn T. (39 tuổi) và chị Đinh Thị N. (38 tuổi, xã Sơn Tân, Sơn Tây, Quảng Ngãi) và con trai Đinh Văn S. (12 tuổi). Theo người thân, anh T. đã vào rẫy hái nấm có màu trắng, vừa mọc sau mưa về chế biến món ăn. Khoảng 12 giờ sau bữa tối, lần lượt vợ chồng anh và con trai có biểu hiện đau bụng, nôn mửa ra máu, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng. Ngay sau đó, gia đình anh được người thân đưa vào BV cấp cứu. Mặc dù đã được các y bác sĩ tại của 2 BV tích cực cứu chữa nhưng cả 3 nạn nhân không qua khỏi.
Trước đó, tại BV Nhi T.Ư cũng tiếp nhận 2 bé trai 7 tuổi và 4 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc nấm. Cả 2 cháu bé đã tử vong sau 7 ngày điều trị. Tại BV Bạch Mai, hàng năm đều tiếp nhận điều trị những ca ngộ độc nấm rất nặng, nhiều trường hợp tử vong chỉ sau vài ngày điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Để phân biệt giữa nấm độc với không độc rất khó.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại về ăn. Khi phát hiện ngộ độc nấm, nếu nạn nhân còn tỉnh, cho uống nhiều oresol hoặc nước khoáng, nước quả, nước rau luộc pha muối, sau đó nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất.