Phó thủ tướng Ukraine Yulia Svyrydenko vừa cảnh báo rằng nước này có thể sẽ phải hoãn trả lương cho công chức và lương hưu cho hàng triệu người dân, nếu EU và Mỹ không cung cấp các khoản viện trợ tài chính như đã cam kết vào đầu năm tới.
Bà Yulia cho biết việc thiếu hụt những hỗ trợ tài chính từ phương Tây sẽ đẩy nền kinh tế Ukraine quay trở lại thời điểm khó khăn sau khi nước này đã có những dấu hiệu phục hồi vào năm 2023, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội được IMF ước tính là 4,5%.
“Sự hỗ trợ từ các đối tác là vô cùng quan trọng và chúng tôi đang trong tình thế rất khó khăn” – Bà Svyrydenko nhấn mạnh.
Kiev đang phải vật lộn tìm kiếm nguồn tiền để chi trả cho các dịch vụ và phúc lợi công, sau khi nguồn tài trợ từ các đồng minh thân cận nhất đã không thực hiện được như cam kết. Ukraine hiện cần 37 tỷ USD viện trợ vào năm tới.
Hiện tại, đề xuất viện trợ 60 tỷ USD từ Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa được Quốc hội nước này thông qua, trong khi gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro trong vòng 4 năm của EU đã bị Hungary thẳng thừng phủ quyết trong tháng này. Các nhà lãnh đạo EU sẽ có cuộc gặp mặt vào tháng 2/2024 để thuyết phục Hungary đảo ngược quyết định, hoặc sử dụng giải pháp thay thế là chuyển 20 tỷ euro đến Kiev thông qua hình thức cho vay.
Bà Svyrydenko hy vọng EU sẽ phê duyệt các gói hỗ trợ vào tháng 2 và chuyển tiền vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, bà cũng cho biết rằng những khoản tiền này là không đủ.
Kiev đang cố gắng tiết kiệm tiền mặt và sắp xếp lại các khoản chi tiêu kể từ tháng 9, khi phương Tây bắt đầu giảm nguồn viện trợ. Nước này đã bất ngờ tăng thuế đối với các ngân hàng lên 50% và chuyển nguồn thu từ khoản thuế thu nhập bổ sung 1,5% từ chính quyền địa phương sang Trung ương. Tuy nhiên, vị phó thủ tướng này nhấn mạnh rằng Ukraine vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính. Khoảng 5 tỷ USD giải ngân từ các nhà tài trợ và những tổ chức vay quốc tế sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu.
Theo bà Svyrydenko, Ukraine sẽ dành ưu tiên cho lĩnh vực quốc phòng và việc trả nợ, dẫn đến thiếu hụt nguồn tài chính cho các lĩnh vực xã hội. Bà cho biết thêm nếu các khoản hỗ trợ nước ngoài không giải ngân kịp, Kiev sẽ phải trì hoãn trả lương cho 500.000 công nhân, 1,4 triệu giáo viên cũng như phúc lợi cho 10 triệu người về hưu.
Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây cho rằng Ukraine có thể tự giải quyết các thách thức trong vài tháng tới, bằng cách vay trong nước hoặc thông qua các khoản hỗ trợ tài chính từ ngân hàng Trung ương, tuy nhiên điều này có thể gây ra lạm phát và làm giảm sự ổn định tài chính.
Việc cắt giảm mạnh chi tiêu công hoặc lạm phát tăng vọt có thể khiến nền kinh tế Ukraine chệch hướng, làm suy yếu nguồn thu từ thuế, buộc nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào viện trợ từ bên ngoài.
Bà Svyrydenko cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, Kiev đã phải huy động thêm 4,4 tỷ USD từ tiền thuế trong 11 tháng đầu năm 2023.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khoản viện trợ tài chính 50 tỷ euro mà EU đề xuất, vị quan chức này cho biết nguồn tiền này không chỉ giúp giữ vững sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô mà còn tạo ra các điều kiện tiên quyết để Ukraine có thể phục hồi trở lại.
Bà cho biết sự phục hồi kinh tế là cần thiết để khuyến khích người tị nạn Ukraine trở về nước, từ đó gia tăng sản xuất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vị quan chức này tiết lộ rằng Chính phủ Ukraine đang có chiến lược thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất hàng hóa có giá trị, sản phẩm chế biến thay vì nguyên liệu thô.
Bà cũng kêu gọi chính phủ mới của Ba Lan chấm dứt việc các tài xế nước này phong tỏa cửa khẩu, do lo ngại cạnh tranh không công bằng với nông sản từ Ukraine. Động thái phong tỏa này đã khiến các nhà xuất khẩu Ukraine thiệt hại 160 triệu USD, trong khi các nhà nhập khẩu nước này cũng phải đối mặt với khoản lỗ tới 700 triệu USD.