Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức, Armin Laschet đe dọa nước này sẽ trừng phạt Nga nếu sử dụng Dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream) 2 nhằm chống lại Ukraine.
Tờ Welt của Đức dẫn lời quan chức này trong cuộc phỏng vấn với tờ Rzeczpospolita của Ba Lan: “Nếu Nga một lần nữa thực hiện các hành động gây hấn nhằm vào Ukraine, Đức sẽ đưa ra các biện pháp cấp quốc gia, theo đó có các hình phạt thay mặt toàn bộ Liên minh châu Âu”.
Ông Laschet - ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng Đức - kế nhiệm bà Angela Merkel, cho biết: “Đây sẽ là cách chúng tôi ngăn chặn Nga sử dụng đường ống như một vũ khí địa chính trị”.
"An ninh của Ukraine là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đức", ông cho biết. "Thỏa thuận giữa Đức và Mỹ [về Nord Stream 2] cung cấp cho chúng tôi một công cụ để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động phá hoại của mình."
Dự án Nord Stream 2 dự kiến hoàn thành hai tuyến đường ống dẫn khí với tổng công suất 55 tỷ m3/năm từ bờ biển của Nga qua Biển Baltic đến Đức. Dự án đình trệ vào tháng 12/2019 sau khi công ty Allseas của Thụy Sĩ từ bỏ các hoạt động đặt đường ống do các lệnh trừng phạt của Mỹ sau đó. Vào tháng 12/2020, việc xây dựng đường ống dẫn khí đã được nối lại sau một năm tạm dừng.
Vào ngày 28/7, nhà điều hành Nord Stream 2, cho biết dự án đã hoàn thành 99% và sà lan đặt đường ống Fortuna đang hoàn thiện ở khâu cuối cùng.
Ngày 21/7, Mỹ và Đức đã đạt được thỏa thuận về dự án Nord Stream 2. Washington thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không ngăn cản việc thực hiện dự án, trong khi Berlin cam kết sẽ theo hướng kéo dài thời gian vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các nhà chức trách nước này vẫn có quyền đáp trả việc Nga sử dụng năng lượng như một "vũ khí địa chính trị" ở châu Âu và "gây hấn chống lại Ukraine".
Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Nord Stream 2 là một dự án thương mại cùng với các đối tác châu Âu. Moscow nhiều lần tuyên bố rằng họ chưa bao giờ sử dụng các nguồn năng lượng như một công cụ gây sức ép.