Theo phản ánh, trong thời gian vừa qua, Urenco7 thường xuyên xả thải bẩn xuống sông Nhuệ, ông có ý kiến gì vấn đề này?- Đầu tiên chúng tôi khẳng định, không có chuyện Urenco7 xả thải bẩn xuống sông Nhuệ như phản ánh. Từ khi thông tin được đăng tải, các đơn vị có liên quan, các đoàn kiểm tra liên ngành và đại diện tổ dân phố Nhuệ Giang cũng đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường của công ty. Đoàn kiểm tra xác định, những thông tin đó là chưa chính xác. Cụ thể, tại điểm xả nước ra sông Nhuệ, đó là điểm thoát nước chung kết nối hệ thống xả thải của dân cư và các nhà xưởng trong khu vực chứ không của riêng Urenco7.
Vậy ông lý giải thế nào về phản ánh, cửa ống từ đơn vị chảy ra có mầu đen, bốc mui xú uế?- Hàng năm, khu vực tiếp nhận rác của 4 quận nội thành khi sự cố bãi Nam Sơn 2 - 3 lần/năm khối lượng 6.000 - 7.000 tấn/đợt trong thời gian lưu chứa 12 - 15 tấn mỗi ngày. Mới đây nhất, từ ngày 10 - 14/1/2019, người dân tại xã Nam Sơn ngăn không cho các xe rác vận chuyển rác thải sinh hoạt vào khu chôn lấp, khiến lượng rác của 4 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng phải lưu trữ tạm thời tại Chi nhánh, khối lượng tiếp nhận 7.000 tấn. Do tồn đọng lâu ngày nên rác thải bị phân hủy, chảy nước xuống nền. Đến hết ngày 21/1 mới hoàn tất việc vận chuyển hết lượng rác này lên bãi xử lý rác Nam Sơn. Đơn vị đã tiến hành rửa sân, vệ sinh khu lưu trữ, nên có hiện tượng nước thải từ phía công ty chảy vào hệ thống thoát nước chung có màu đục. Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng nhất thời trong thời gian rác bị lưu cữu tại Chi nhánh. Hiện tại, việc vận chuyển, thu gom rác tại đơn vị được thực hiện trong ngày không để rác quá 24 giờ nên không còn hiện tượng như trên.
|
Khu vực bể chứa nước thải của chi nhánh Cầu Diễn. |
Có ý kiến cho rằng, Urenco7 hoạt động xử lý phân bùn không có giấy phép, nhưng lại “ôm” nhiều mảng dẫn đến quá tải, phải xả thẳng ra môi trường?- Câu chuyện bảo vệ môi trường là vấn đề rất nóng được Nhân dân và lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm. Do đó, thông tin cho rằng Urenco7 hoạt động, đặc biệt với hoạt động xử lý phân bùn bể phốt không có giấy phép là hoàn toàn không chính xác. Bởi, từ năm 2015, đơn vị đã được TP Hà Nội, Sở TN&MT, Sở Xây dựng cấp về phê duyệt đánh giá báo cáo tác động môi trường, giấy phép xả thải vào nguồn nước, quy trình xử lý bùn bể phốt… Bên cạnh đó, từ khi quy trình xử lý phân bùn đi vào hoạt động, trạm xử lý rất ít khi vượt quá công suất 300m3/ngày đêm. Cụ thể, trung bình mỗi ngày khu xử lý chỉ thực hiện việc xử lý từ 70 đến 80 m3/ngày đêm, công suất trên chỉ bằng 1/4 công suất thiết kế của Trạm xử lý phân bùn bể phốt.
Vậy về lâu dài, đơn vị sẽ có biện pháp gì hạn chế những ảnh hưởng đến môi trường, đến cuộc sống của người dân trong khu vực?- Để đảm bảo vệ sinh môi trường, cuộc sống của người dân, đơn vị cam kết thực hiện đúng quy trình, chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn, quy định theo đúng phê duyệt đánh giá báo cáo tác động môi trường và giấy phép xả thải vào nguồn nước được UBND TP cấp phép; Đơn vị cũng sẽ thường xuyên được lấy mẫu nước sau xử lý, hồ lưu phân tích, kiểm định độc lập chất lượng nước sau xử lý, trước khi xả thải ra môi trường theo quy định.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm công tác tiếp nhận, xử lý phân bồn bể phốt theo Giấy phép Cơ quan chức năng cấp cho Công ty (Giấy phép xử lý, giấy phép đăng ký kinh doanh) và thực hiện nghiêm theo giấy ủy quyền của Công ty (Urenco) thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý phân bùn bể phốt từ các nhà vệ sinh công cộng bằng gạch trên địa bàn 4 quận, nhà vệ sinh công cộng Vinasing, nhà vệ sinh lắp đặt tổ chức các sự kiện, ngày lễ lớn TP Hà Nội, T.Ư, Trại tạm giam số 1 và 2 Công an TP Hà Nội, Trung đoàn cảnh sát cơ động - Công an TP Hà Nội và một số nguồn dịch vụ khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận…
Xin cám ơn ông!