Việc triển khai quân đội từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga lãnh đạo tới Kazakhstan hôm 6/1 được coi là hành động mang tính "đặt cược" của Moscow.
Dù là một hiệp ước phòng vệ lẫn nhau, CSTO chưa từng triển khai bất kỳ cuộc ra quân chung nào kể từ khi thành lập vào năm 1999. Giờ đây, Hiệp ước này lại được viện đến nhằm dập tắt tình trạng bất ổn nội bộ ở Kazakhstan - một trong các quốc gia thành viên.
Tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev, tuyên bố cuộc nổi dậy được kêu gọi bởi những "kẻ khủng bố" và kêu gọi tới CSTO. Theo đó, CSTO đã bắt đầu hành động trong vài giờ và vào sáng 6/1, lính Nga đã đến Kazakhstan.
Tổng thư ký CSTO nói với hãng thông tấn RIA rằng lực lượng gìn giữ hòa bình được điều tới Kazakhstan tổng cộng khoảng 2.500 người và có thể được tăng cường nếu cần thiết.
Một số người ở Moscow ca ngợi quyết định can thiệp. Maxim Suchkov, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại MGIMO, một trường đại học hàng đầu ở Moscow nhận định, một sứ mệnh ngắn hạn có thể nâng cao vị thế của Nga trong khu vực.
Diễn biến hiện nay ở Kazakhstan có thể coi như một "cuộc khủng hoảng mà Moscow có thể là công cụ hữu ích", chuyên gia Suchkov viết trên Twitter.
Một điểm tương đồng rõ ràng với Hiệp ước Warsaw là mặc dù CSTO là một liên minh, nhưng quyết định can thiệp gần như chắc chắn được thực hiện ở Moscow. Bình luận của The Guardian khẳng định, đây là ván bài "liều ăn nhiều" của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga hy vọng rằng một nhiệm vụ thành công mau lẹ sẽ nhanh chóng khôi phục lại trật tự và khiến Kazakhstan "biết ơn và mắc nợ" Moscow, nhưng hoạt động này đi kèm với rủi ro, theo The Guardian.
Thực tế là động thái của CSTO được coi là sự can thiệp của Nga vẫn vấp phải một số phản đối ở Kazakhstan - nơi mà một trong những thành tựu chính của cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev là tránh xung đột lớn giữa người Kazakhstan đa số và người dân tộc Nga thiểu số tại đây.
Kazakhstan tự hào đã theo đuổi chính sách đối ngoại “đa chiều” trong nhiều năm, và mối quan hệ thân thiết của nước này với Moscow song hành với sự giao hảo với các quốc gia phương Tây.
Khi tin tức về yêu cầu của Tổng thống Tokayev với CSTO được công bố hôm 5/1, tổng biên tập của đài truyền hình nhà nước RT, Margarita Simonyan, đã đưa ra một danh sách yêu cầu.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ giúp đỡ, nhưng chúng tôi cũng cần đặt ra một số điều kiện", bà Margarita viết trên Twitter. Trong đó bao gồm việc đưa tiếng Nga trở thành ngôn ngữ nhà nước thứ hai trong nước và công nhận Crimea là một phần của Nga.
Điều này phần nào phản ánh cách nhìn nhận liên minh CSTO một số bên ở Moscow. Nếu Tổng thống Tokayev thành công trong việc dập tắt các cuộc biểu tình với sự giúp đỡ của Moscow, người Nga có thể mong đợi sự ủng hộ đáp lại.