Các nước tăng tốc hồi hương vàng
Kết quả khảo sát được Invesco - Công ty quản lý đầu tư độc lập của Mỹ với các ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư nhà nước, công bố ngày 10/7 cho thấy, ngày càng có nhiều quốc gia hồi hương lượng vàng được dự trữ ở nước ngoài do lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt chống Nga có thể thành tiền lệ.
Các quỹ đầu tư nhà nước của nhiều quốc gia trên thế giới đang cân nhắc lại các chiến lược của họ trong bối cảnh gia tăng quan ngại rằng lạm phát chưa thể giảm bền vững và căng thẳng địa chính trị sẽ tiếp tục leo thang.
Trong đó, hơn 85% trong số 85 quỹ đầu tư nhà nước và 57 ngân hàng trung ương tham gia “Nghiên cứu quản lý tài sản có chủ quyền toàn cầu hàng năm” của Invesco tin rằng, lạm phát trong thập kỷ tới sẽ cao hơn so với thập kỷ trước.
Vàng và trái phiếu thị trường mới nổi vốn được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn giữa lúc biến động tài chính và bất ổn địa chính trị. Tuy nhiên, việc phương Tây đóng băng gần một nửa trong số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga vào năm ngoái dường như cũng đã gây ra một sự thay đổi.
Cuộc khảo sát của Invesco cho thấy "một phần đáng kể" các ngân hàng trung ương trên thế giới lo ngại về tiền lệ này có thể đã được thiết lập.
Theo kết quả khảo sát này, gần 60% người tham gia cho biết, điều đó đã khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn, trong khi 68% trả lời đang giữ dự trữ vàng trong nước so với chỉ 50% vào năm 2020.
Một ngân hàng trung ương giấu tên tiết lộ với hãng tin Reuters: "Chúng tôi đã giữ vàng ở London... nhưng hiện tại chúng tôi đã chuyển tài sản dự trữ này về nước để nắm giữ như một tài sản trú ẩn an toàn và đảm bảo an toàn”.
Chuyên gia Rod Ringrow, người đứng đầu các tổ chức chính thức của Invesco cho biết, xu hướng hồi hương vàng đang được nhiều nước lựa chọn hơn kể từ khi phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến chiến sự tại Ukraine.
Đa dạng hóa dự trữ ngoại hối
Những lo ngại về bất ổn địa chính trị kết hợp với những cơ hội ở các thị trường mới nổi cũng đang khuyến khích một số ngân hàng trung ương đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm dự trữ bằng đồng USD.
Cụ thể, 7% số người tham gia khảo sát nói rằng tình trạng nợ của Mỹ đang tăng lên đã tác động tiêu cực đối với đồng bạc xanh. Tuy nhiên, phần lớn đều trả lời rằng hiện chưa thấy có sự thay thế tiềm năng nào đối với đồng USD như là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Gần 80% trong số 142 tổ chức được khảo sát xem căng thẳng địa chính trị là rủi ro lớn nhất trong thập kỷ tới, trong khi 83% cho rằng lạm phát là mối lo ngại trong 12 tháng tới.
Cũng theo kết quả khảo sát, cơ sở hạ tầng hiện được xem là loại tài sản hấp dẫn nhất, đặc biệt là những dự án liên quan đến sản xuất năng lượng tái tạo.
Theo đó, Ấn Độ vẫn là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất để đầu tư trong năm thứ hai liên tiếp, trong khi xu hướng near-shoring (thu ngắn chuỗi cung ứng) tăng cao khiến các công ty xây dựng nhà máy gần nơi họ bán sản phẩm hơn, điều này đang thúc đẩy dòng vốn đến các quốc gia như Mexico, Indonesia và Brasil.
Cũng như Trung Quốc, Anh và Italia được xem là kém hấp dẫn hơn, trong khi lãi suất tăng cùng với thói quen làm việc tại nhà và mua sắm trực tuyến đã hình thành trong đại dịch Covid-19, dẫn tới bất động sản hiện là tài sản tư nhân kém hấp dẫn nhất.
Ông Rod Ringrow đánh giá, các quỹ tài sản hoạt động tốt hơn trong năm ngoái là những quỹ đã nhận ra rủi ro do giá tài sản tăng cao và sẵn sàng thực hiện những thay đổi đáng kể về danh mục đầu tư. Điều này sẽ không thay đổi trong tương lai.