Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc làm cần thiết

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ TT&TT vừa đưa ra hàng loạt giải pháp cấp bách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhanh chóng và kiên quyết chấn chỉnh tình trạng “bão hòa” trang thông tin điện tử tổng hợp.

Trước mắt, từ ngày 1/11/2019, Bộ TT&TT sẽ tạm dừng cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp với nhóm đối tượng là các DN và các cơ quan báo chí. Đi kèm với đó là yêu cầu các đơn vị có trang thông tin điện tử tổng hợp đang hoạt động trên các tên miền có từ ngữ có thể nhầm lẫn là cơ quan báo chí như: Báo, tạp chí, tin, tin tức, News, Times, Online, Daily… phải đổi sang tên trang, tên miền cho phù hợp.
Tình trạng hoạt động “bát nháo”, lập lờ trong tên gọi dễ gây nhầm tưởng là cơ quan báo chí của các trang thông tin điện tử tổng hợp diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây, đi kèm với đó là hàng loạt các hậu quả gây không ít bức xúc trong dư luận.
Điển hình cho trường hợp này là vào đầu năm 2017, 3 trang thông tin điện tử tổng hợp soha.vn, kenh14.vn và baomoi.com đã bị phạt hành chính với số tiền 80 triệu đồng khi có bài viết mang tính chất tuyên truyền, cổ xúy, đưa thông tin không phù hợp về diễn viên Minh béo.
Thực tế thời gian qua cho thấy, các trang thông tin điện tử do DN lập ra chính là các trang có nhiều sai phạm nhất. Trong khi các trang thông tin điện tử của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước tỷ lệ vi phạm rất ít.
Chính vì thế việc tăng cường quản lý các trang tin điện tử tổng hợp hiện nay là rất cần thiết bởi biện pháp quản lý tiền kiểm qua cấp phép đã bộc lộ những hạn chế. Trước kia, khi trang tin vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, nếu nặng hơn sẽ bị xem xét thu hồi tên miền thì hiện tại cần kiên quyết hơn, nếu có vi phạm thì treo tên miền trước, sau đó tuỳ vào mức độ sẽ đưa ra hình thức xử phạt khác nhau.
Mặt khác, tình trạng “nấu cháo” trên lưng các cơ quan báo chí của trang thông tin điện tử tổng hợp cũng đang là vấn nạn cần phải dẹp bỏ. Việc các trang tin dạng này ngồi một chỗ, qua vài động tác cắt dán (copy & paste) đã có nguyên tin/bài do phóng viên mất nhiều thời gian và công sức thực hiện đang diễn ra rất phổ biến. Đáng chú ý, kể cả khi các cơ quan báo chí lên tiếng phản đối thì chỉ sau một thời gian ngắn tạm hoãn, các trang thông tin điện tử tổng hợp lại bắt đầu “ăn cắp chất xám” trở lại.
Phía cơ quan quản lý cũng khá mạnh tay cho những trường hợp như trên. Mới đây là trường hợp của trang tin điện tử baocungcau.net thuộc sở hữu của một DN tư nhân nhưng hoạt động không khác gì một báo điện tử chính thống. Đi kèm mức phạt 10 triệu đồng từ phía cơ quan quản lý, trang tin nói trên còn phải gỡ bỏ tất cả các tin bài do đơn vị mình tự sản xuất, cũng như các tin bài có nguồn tin từ các cơ quan báo chí mà chưa có văn bản chấp thuận trích dẫn nguồn tin.
Và để thắt chặt tình trạng “nấu cháo" này, Bộ TT&TT cũng đã đưa ra một loạt các giải pháp kiên quyết. Theo đó, các trang thông tin điện tử tổng hợp phải có thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan báo chí về việc cho phép được dẫn lại tin bài. Bên cạnh đó, chỉ cho phép dẫn lại nguồn tin sau ít nhất 3 giờ kể từ khi tin, bài gốc được đăng tải trên báo chí.
Không những thế, Bộ TT&TT cũng yêu cầu các trang thông tin điện tử tổng hợp phải thể hiện đường dẫn để truy cập tin, đường dẫn bài gốc (link) ngay dưới tin, bài mà trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại từ các báo.