Thống nhất nhiều văn kiện quan trọng
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Lê Hoàng Trung cho biết, năm 2020, với tư cách là đại diện quốc gia Chủ tịch, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 3 “Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN 2020” trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới, có sự tham gia của đại diện 10 quốc gia, 25 đô thị thành viên trong mạng lưới ASCN và 6 đối tác ngoài mạng lưới, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển đô thị thông minh.
Nhiều hoạt động đi kèm cũng đã được tổ chức như Diễn đàn cấp cao và triển lãm về đô thị thông minh ASEAN năm 2020; 5 hội thảo chuyên đề về phát triển đô thị thông minh, gồm: Quy hoạch, quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa, phát triển đô thị. Phát triển hạ tầng số, công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh.
Phát triển dịch vụ thông minh tại các đô thị trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Năng lượng thông minh trong quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị. Giao thông thông minh trong chiến lược đô thị hóa, phát triển đô thị; Triển lãm diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020, quy tụ 35 đơn vị cung cấp sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, viễn thông liên quan đến bất động sản, quy hoạch đô thị, ngân hàng, giao thông vận tải...
“Một trong những vấn đề quan trọng nhất tại Hội nghị lần thứ 3, các bên đã thống nhất, thông qua nhiều văn kiện quan trọng, như Khung giám sát, đánh giá mạng lưới đô thị thông minh ASEAN; Khung quy định về sự hợp tác giữa mạng lưới đô thị thông minh ASEAN với các đối tác bên ngoài; Văn bản xem xét mở rộng thành viên mạng lưới đô thị thông minh ASEAN... Đây là những văn kiện tiếp tục định hình hoạt động phát triển đô thị thông minh trong toàn mạng lưới hướng tới sự phát triển, thịnh vượng chung” - ông Lê Hoàng Trung cho hay.
Chiến lược đô thị hóa bền vững
Hội nghị lần này, phía Việt Nam đã trình bày tài liệu ý tưởng về bộ công cụ đầu tư đô thị thông minh ASEAN. Theo đại diện Bộ Xây dựng, một nửa dân số trong khu vực ASEAN đang sống ở các đô thị, dự báo tới năm 2025 sẽ có thêm 70 triệu cư dân. Để việc chuyển đổi, hội nhập kinh tế thành công, đô thị hóa phải được thực hiện một cách thông minh, bền vững, cũng như xác định chiến lược phù hợp với nhu cầu của đô thị thông minh cần tập trung vào một số vấn đề, gồm:
Xu hướng đô thị thông minh thách thức, cơ hội về tài chính: Cung cấp thông tin tổng quan về xu hướng hiện tại, mới nổi của đô thị thông minh trong việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tính bền vững môi trường, xây dựng đô thị đáng sống, những phát hiện cơ bản về nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực khác nhau, chỉ ra những thách thức, cơ hội về tài chính đối với đô thị thông minh.
Phương án cấp vốn, tài trợ cho đô thị thông minh: Tổng hợp phương án, công cụ hỗ trợ, cấp vốn hiện có cho đô thị thông minh, bao gồm công cụ tài trợ từ chính phủ, hỗ trợ kỹ thuật - hợp tác phát triển, đầu tư mạo hiểm phát triển sớm, quan hệ đối tác công tư và quỹ của khu vực tư nhân.
Trên cơ sở kết quả phân tích, bộ công cụ có thể hướng dẫn cho các đô thị thông minh điều chỉnh hoạt động dự án của họ theo chiến lược, phương án tài chính cụ thể. Xác định những dự án đô thị thông minh, đô thị hóa bền vững ưu tiên xây dựng chiến lược, phương án tài chính. Tìm hiểu quan điểm từ nhà tài trợ làm rõ tính khả thi, khả năng thực hiện, lợi nhuận dự kiến tại dự án.
Đồng thời, xác định biện pháp can thiệp vào dự án đô thị thông minh, tính đến khả năng tham gia từ khu vực tư nhân vào tài trợ, triển khai; Xác định đối tượng người dùng tiềm năng của bộ công cụ trong cơ quan chính quyền trung ương - địa phương, nhằm hỗ trợ các hoạt động xã hội hóa bộ công cụ trong tương lai.