Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số…, những khái niệm này đang trở nên quen thuộc với người dân, đồng thời cũng được nhắc đến nhiều lần trong cả mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được xác định tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới, gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự đột phá mạnh mẽ hơn.

Những bước chuyển biến rõ rệt

Như các chuyên gia đã chỉ ra, nếu như tại các Văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm chuyển đổi số, trong đó có kinh tế số chưa được nhắc đến mà thay vào đó là kinh tế tri thức, thì tại Văn kiện Đại hội XIII, "phát triển kinh tế số" đã được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược. Trong đó, một trong ba khâu đột phá chiến lược là phát triển hạ tầng, lần này đã bổ sung nhiều nội dung mới, trong đó xác định "phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số".
 Phong nghiên cứu thiết bị công nghệ cao tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh Bùi Tuấn
Cách đây hơn 1 năm, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành T.Ư đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đây là một Nghị quyết toàn diện, tổng thể đầu tiên của T.Ư Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận một cách tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao.

Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, đã mang đến những bước chuyển biến rõ rệt, là chìa khóa thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, đặt ra các mục tiêu, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh...

Như các chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chiến lược về chuyển đổi số quốc gia. Nếu ở cấp T.Ư, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ở cấp quốc gia; ở cấp độ địa phương, là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn. Ngay sau khi Bộ TT&TT ban hành Khung về chuyển đổi số, đến nay, đã có gần 30 bộ ngành, địa phương lập kế hoạch chương trình chuyển đổi số.

Cùng với đó, những tháng cuối năm 2020, cả ba nhà mạng điện thoại di động lớn trong nước đều đồng loạt công bố vùng phủ sóng, chính thức thử nghiệm kinh doanh dịch vụ 5G, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận công nghệ này, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số. Đặc biệt, nhiều ứng dụng công nghệ số được sử dụng mạnh mẽ và rộng rãi đặc biệt trong năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Các cuộc họp trực tuyến, dạy học trực tuyến, làm việc online… và những diễn đàn, hội nghị lớn cũng được tổ chức một cách hiệu quả trong thời gian qua. Như các chuyên gia nhận định, sự áp dụng chính phủ điện tử, chính phủ số, công nghệ đã góp phần quan trọng thúc đẩy và hỗ trợ cho nền kinh tế số được phát triển mạnh. Thay đổi nhận thức, người dân đang từng bước vận dụng kỹ thuật số vào trong mọi mặt hoạt động kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội của mình...

Nắm bắt thời cơ

Tại Đại hội XIII của Đảng, nhiều đại biểu có ý kiến tâm huyết, đề cập đến giải pháp quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Trong đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Chuyển đổi số giáo dục sẽ đổi mới cách thức giảng - dạy truyền thống hướng tới phổ cập hóa và cá nhân hóa dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học. Chuyển đổi số y tế sẽ cho phép người dân, thông qua các nền tảng số tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất 24/7 từ những bác sỹ giỏi nhất, giải quyết vấn đề giảm tải cho các cơ sở y tế.
Còn có rất nhiều ví dụ khác về các ngành, lĩnh vực có tiềm năng chuyển đổi số. Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: Công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 được trình Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đã dần trở thành xu thế tất yếu. Để đáp ứng được mục tiêu này, trong phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ XIII cũng xác định: “Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử để phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, ngành thông tin - truyền thông sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số mọi mặt kinh tế - xã hội trên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội. “Lĩnh vực thông tin, truyền thông sẽ tạo nền móng cho chuyển đổi số, phát triển đồng bộ cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định. Và đề cập đến nhiều mục tiêu như cần làm chủ hạ tầng số, phát triển DN công nghệ số, cứ 1.000 người dân/1 DN công nghệ số…

Hiện không chỉ trong quản lý nhà nước, các ngành kinh tế mà cả ở các ngành xã hội, dịch vụ, việc chuyển đổi số cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Khi mục tiêu, khái niệm này được Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ, sẽ là một cơ sở rất vững chắc để tiếp tục thúc đẩy việc chuyển đổi mạnh hơn trong thời gian tới.

"Muốn đạt tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chúng ta cần giải quyết trọn vẹn 3 khâu thể chế, nền tảng, đào tạo nguồn nhân lực và xử lý 3 mối quan hệ. Thứ nhất, Chính phủ điện tử là xử lý mối quan hệ của các cơ quan hành chính Nhà nước. Chúng ta phải kết nối điện tử hóa và số hóa, bảo mật thông tin. Khi đã nhận dữ liệu một lần, sẽ không bắt người dân, DN mang hồ sơ giấy đến và không có scan giấy tờ. Thứ hai, Chính phủ hay cơ quan Nhà nước phải xử lý mối quan hệ với người dân và DN thông qua dịch vụ công, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Thứ ba là phải xử lý mối quan hệ giữa các DN với đơn vị cung cấp dịch vụ công; thanh toán không dùng tiền mặt…" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng


"Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số mang trong mình sứ mệnh lớn lao, đó là phổ cập và cá nhân hóa các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế…) tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn. Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương." - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

TP Hà Nội đang sẵn sàng cho chuyển đổi số khi đã hội tụ đủ các yếu tố quan trọng như: Hạ tầng mạng, mức độ sẵn sàng của người dân, việc triển khai các ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành… Công tác xây dựng chính quyền điện tử của Thành phố đã được tập trung triển khai đồng bộ; 100% thủ tục hành chính được thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội cũng xác định một trong những nội dung thuộc ba khâu đột phá là phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu..., kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.