Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Viettel và lời hứa “Sáng tạo vì con người”

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được định giá hơn 4,3 tỷ USD, Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội (Viettel) liên tiếp 2 năm liền dẫn đầu danh sách Top 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam.

Để có được vị trí này, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Quyền Tổng Giám đốc Viettel cho biết: “Chiến lược chính của DN là tập trung mạnh vào chuyển đổi số thúc đẩy hình thành nền kinh tế số, xã hội số. Và luôn coi đây là lời hứa của người Viettel”.
Số 1 về công nghệ
Vượt qua hàng loạt các “ông lớn” khác, giá trị thương hiệu năm 2019 của Viettel tăng 20% (hơn 1,5 tỷ USD) so với năm 2018, có giá trị gấp gần 3 lần thương hiệu đứng thứ 2 và bằng tổng giá trị của 3 thương hiệu ở vị trí liền sau trong bảng xếp hạng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Viettel dẫn đầu bảng xếp hạng, thuộc Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Với giá trị thương hiệu hiện tại, Viettel vẫn đang tiếp tục là thương hiệu duy nhất của Việt Nam và là một trong 8 thương hiệu của Đông Nam Á lọt Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới do Brand Finance công bố.
 Viettel đã hình thành nhiều sản phẩm dịch vụ để trở thành nhà cung cấp dịch vụ số. Ảnh: Khắc Kiên
Giá trị thương hiệu của Viettel được đánh giá cao do sự tăng trưởng cao ở 10 thị trường nước ngoài, đồng thời nhờ sự phát triển của tập đoàn này trong nhiều lĩnh vực quan trọng như: Viễn thông, công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng.
Bước vào 2019, Viettel tập trung mạnh vào chuyển đổi số để thúc đẩy hình thành nền kinh tế số, xã hội số. Viettel đã triển khai thành công Trung tâm Điều hành thông minh tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hệ thống đạt giải thưởng viễn thông châu Á - Telecom Asia Awards 2019 ở hạng mục dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á. Viettel triển khai phát sóng 5G và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT)…
Đặc biệt với 5G, Viettel đã trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kết nối thành công trên mạng di động. Đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới. Viettel cũng trở thành DN tiên phong đưa công nghệ 5G tới các thị trường đầu tư quốc tế như Campuchia (tháng 7/2019) và Myanmar (tháng 8/2019).
Còn nhiều việc để làm
Chia sẻ về chiến lược phát triển DN, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho rằng, hiện không chỉ có các công ty viễn thông như Viettel mới phải chuyển đổi số, mà còn có rất nhiều các DN ở ngành nghề khác cũng đang làm.
“Để đánh giá một công ty có chuyển đổi số thành công hay không, cần đánh giá các quyết định của họ có dựa trên phân tích số liệu, chứ không phải các con số thống kê giấy tờ. Các dữ liệu lớn cũng cần được máy móc với trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích” - vị này phân tích.
Riêng với Viettel có 2 quá trình: Chuyển đổi số việc quản trị nội bộ và tạo mô hình kinh doanh mới; cung cấp các dịch vụ số cho người dân, DN, Chính phủ trong công cuộc xây dựng xã hội số.
Tất nhiên, việc chuyển đổi số nhanh, mạnh, hiệu quả, chính Viettel phải làm trước. Việc này cũng không quá phức tạp vì Viettel vốn là DN công nghệ, vấn đề là phải quyết tâm làm. Riêng với việc cung cấp dịch vụ số cho xã hội, để đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo xã hội số là một nhiệm vụ lớn mà Viettel còn rất nhiều việc phải làm.
 Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Quyền Tổng Giám đốc Viettel
Với định hướng là DN tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, theo ông Lê Đăng Dũng, đây sẽ là cuộc chuyển đổi vĩ đại của Viettel. Chỉ trong vòng 2 năm (2019 và 2020), Viettel sẽ phải thực hiện chuyển đổi số thành công. Để thực hiện “cuộc chuyển đổi vĩ đại” này, trước tiên Viettel phải trở thành một tổ chức số, được vận hành trên nền tảng số.
“Viettel đã nhận thức và có những hành động sớm để thực hiện mục tiêu chuyển đổi. Giờ là thời điểm cần chuyển đổi nhanh hơn, quyết liệt hơn, hướng tới sự hoàn thiện. Làm tốt những gì thế giới đã làm, và sáng tạo cho phù hợp với Việt Nam và Viettel” là định hướng được ông Dũng chia sẻ.
Theo đó, những công cụ như Data lake, Dashboard, ERP, Data Analytic... phải gắn chặt vào từng hành vi và quản trị công việc của từng người, từng bộ phận và cả Tập đoàn. Ngoài ra, Viettel sẽ được tổ chức theo hướng khách hàng, tinh gọn, linh hoạt, dữ liệu hóa,... tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu về đánh giá và đãi ngộ nhân sự, số hóa các quy trình kỹ thuật, kinh doanh, tài chính, đầu tư...
Chưa bao giờ chọn việc dễ
Đều đều mạch câu chuyện, ông Lê Đăng Dũng nhận xét, chỉ khi thực sự là một tổ chức số, Viettel mới có thể thực hiện thành công sứ mạng của mình là thúc đẩy chuyển đổi số để thực sự hình thành xã hội số. Thực hiện mục tiêu này, Viettel tập trung vào 3 việc chính: Thứ nhất, tiếp tục xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT hiện đại nhất. Bởi thực chất, cuộc cách mạng số trước hết dựa trên nền tảng viễn thông và CNTT.
“Phải triệt để ảo hóa, cloud hóa, đa ứng dụng hóa mạng lưới của mình, sẵn sàng triển khai công nghệ siêu băng rộng 5G. Phải tạo ra một hạ tầng kết nối IoT rộng khắp để kết nối hàng tỷ thiết bị, quản lý và điều khiển chúng tự động với tốc độ siêu nhanh, không độ trễ. Đồng thời cũng xây dựng những nền tảng kỹ thuật số để toàn thể người dân có thể thỏa sức sáng tạo trên đó” - ông Dũng nhấn mạnh.
 Ban tổ chức trao chứng nhận cho Giám đốc Truyền thông - Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Hà Thành với vị trí thứ nhất trong Top 50 thương hiệu Việt Nam năm 2019. Ảnh: Khắc Kiên.
Thứ hai, tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, những dịch vụ quyết định Việt Nam có trở thành quốc gia số hay không. Đó là thanh toán số Mobile money, nội dung số trước hết là giáo dục, thương mại điện tử gắn liền với hệ sinh thái tài chính số, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội...
“Viettel phải chủ động tham gia vào xây dựng, hoàn thiện Chính phủ điện tử, đặc biệt ưu tiên tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, dữ liệu tài nguyên quốc gia. Chính phủ số là nền tảng vận hành xã hội số. Trước hết, Viettel sẽ đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong chuyển đổi số” - Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nói.
Thứ ba, đẩy mạnh 3 ngành công nghiệp công nghệ cao: Công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh mạng nhằm bắt nhịp cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền của đất nước trên cả không gian thực và không gian ảo.
Quyền Chủ tịch Viettel khẳng định, các mục tiêu của chuyển đổi số đó là trách nhiệm của Viettel, cũng chính là lời hứa của Viettel. Lời hứa về việc tiếp tục duy trì sứ mệnh “Sáng tạo vì con người”. Lời hứa luôn bảo vệ và phụng sự cho Tổ quốc, góp phần hưng thịnh đất nước.
Đồng thời nhận xét: “Đây là một trọng trách nặng nề, nhưng cũng là một đặc quyền lớn lao” và “Chúng tôi hiểu rằng đây sẽ là một quá trình không hề dễ dàng. Nhưng điều may mắn là Viettel chưa bao giờ chọn việc dễ để làm”.

"Chúng tôi tự hào vì được đánh giá là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam, đồng thời là một trong 500 thương hiệu có giá trị nhất trên toàn cầu. Nhưng điều tự hào nhất là thương hiệu Viettel vẫn không ngừng gia tăng giá trị. Bởi đó là thành quả của quá trình không ngừng tự trưởng thành, tự mở rộng của Viettel. Điều đó cũng động viên người Viettel tự tin tiếp tục vững tin trên con đường hiện thực hóa các khát vọng, tầm nhìn và rộng mở các giá trị của mình." - Giám đốc Truyền thông Viettel Nguyễn Hà Thành


"Các thương hiệu thuộc Top 10 đang tạo nên 68% giá trị thương hiệu của Top 50 thương hiệu Việt Nam. Giá trị thương hiệu là một khía cạnh để tăng trưởng giá trị kinh doanh cho DN. Điều này được minh chứng bởi con số 52% giá trị DN toàn cầu ngày nay là vô hình, thuộc về giá trị thương hiệu tạo nên.

Bảng xếp hạng Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO 10668. Đây là tiêu chuẩn định giá thương hiệu duy nhất có giá trị trên toàn cầu tính đến thời điểm hiện tại.

Kết quả định giá thương hiệu của Brand Finance được sử dụng và công bố chính thức trên các kênh truyền thông hàng đầu như BBC, CNN, CNBC, Bloomberg, The Economist, The Wall street Journal…" - Giám đốc điều hành Brand Finance Khu vực châu Á - Thái Bình Dương Samir Dixit