Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: chủ động ứng phó với bão số 3

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản hỏa tốc gửi đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn; Bộ Chỉ huy Quân sự; Công an tỉnh Vĩnh Phúc, cùng các cơ quan đơn vị liên quan về việc thực hiện các giải pháp ứng phó với bão số 3.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị triển khai các giải pháp chủ động ứng phó cơn bão số 3.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị triển khai các giải pháp chủ động ứng phó cơn bão số 3.

Triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung đã chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Đồng thời theo chức năng, nhiệm vụ triển khai một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo của cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án đảm bảo an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập... Thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3.

Tổ chức rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng.

Xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công tình; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu; đối với hồ thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn cần xem xét không tích nước, chủ động tiêu nước đệm để đón lũ.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn. Ảnh: Lương Giang. 
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn. Ảnh: Lương Giang. 

Thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chữa đang có dung tích trữ thấp. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dạng để chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão và vận hành điều tiết xả lũ các hồ chứa có thể gây lũ trên hệ thống sông.

Tăng cường công tác kiểm tra đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009.

Tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24h) trong thời gian có mưa lũ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh

Trước hiểm họa và mức độ rủi ro thiên tai của bão số 3 (Yagi), để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và nhân viên các đơn vị, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các trường học, trung tâm giáo dục phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương, triển khai các biện pháp phòng chống theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Yêu cầu các nhà trường theo dõi sát diễn biến của bão và có kế hoạch ứng phó kịp thời, đảm bảo thông tin nhanh chóng đến toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh để phòng tránh và ứng phó. Tổ chức rà soát, kiểm tra hệ thống thoát nước, mái tôn, tường rào, cây xanh; sửa chữa các công trình đã xuống cấp.

Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các nhà trường đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trước hiểm họa của bão số 3. Ảnh: Sỹ Hào. 
Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các nhà trường đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trước hiểm họa của bão số 3. Ảnh: Sỹ Hào. 

Đặc biệt, đối với các trường ở khu vực dễ xảy ra sạt lở, lũ lụt, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu xây dựng lịch học phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh. Yêu cầu các đơn vị triển khai tuyên truyền, giáo dục kiến thức và kỹ năng phòng chống thiên tai cho học sinh và giáo viên. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch khắc phục thiệt hại, vệ sinh trường lớp và ngăn ngừa dịch bệnh sau bão.

Các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh phải báo cáo kịp thời mọi sự cố hoặc thiệt hại do bão gây ra (nếu có) về UBND huyện, thành phố và Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc.

Xả tràn hồ Xạ Hương chủ động ứng phó với mưa bão

Để chủ động trong công tác ứng phó với cơn bão số 3, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc (PCTT&TKCN) ra lệnh thực hiện xả tràn nước hồ Xạ Hương xuống Cote +88,50m để chủ động ứng phó với cơn bão số 3; lưu lượng xả từ 10m3/s đến 100m3/s tùy theo diễn biến tình hình mưa, lũ, thời gian thực hiện xã tràn bắt đầu từ 8h ngày 6/9.

Triển khai nhiệm vụ trên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tam Đảo chỉ đạo Công ty TNHH MTV thủy lợi Tam Đảo chủ động thực hiện điều tiết lưu lượng xả để đảm bảo an toàn hồ và nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, hạn chế việc xả lũ gây ngập úng đến vùng hạ du; thông báo đến các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và nhân dân vùng hạ du; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.

Đồng thời, triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương án PCTT&TKCN hồ Xạ Hương đã duyệt; triển khai ngay lực lượng chốt chặn tại các ngầm, tràn qua đường nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và các phương tiện giao thông qua tràn, ngầm trong thời gian điều tiết.

 

Dự báo, từ sáng mai (7/9), bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; từ đêm 7/9 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10-12, giật cấp 13-14 và ảnh hưởng sâu vào đất liền, khả năng bão gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển, gió mạnh và mưa lớn diện rộng trên đất liền.