Những bước phục hồi đáng kể…
Theo thông tin từ Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có hơn 560 cơ sở lưu trú du lịch với gần 10 nghìn phòng nghỉ; có 4 khách sạn 5 sao; 2 khách sạn 4 sao; 9 khách sạn 3 sao; công suất sử dụng phòng đạt 40% - 45%....
Việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch trên địa bàn thực tế đã đem lại những kết quả rất đáng ghi nhận, Vĩnh Phúc ngày càng được nhiều du khách tìm đến tham quan trải nghiệm.
Lượng khách du lịch tính đến hết tháng 3/2024 ước tính đạt 2.5 triệu lượt khách, tăng 30% chỉ tiêu kế hoạch. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 970 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng tìm kiếm về du lịch Vĩnh Phúc tăng 297% so với cùng kỳ năm trước. Tam Đảo của Vĩnh Phúc dẫn đầu trong top 6 điểm đến nổi bật mới của Việt Nam.
Mặc dù du lịch đã có những bước phục hồi đáng kể, tuy nhiên nhiều ý kiến chỉ ra rằng du lịch Vĩnh Phúc chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và lợi thế của một vùng đất được thiên ưu đãi, non nước hữu tình, nhiều danh lam thắng cảnh với khí hậu mát mẻ, dễ chịu.
Số lượng du khách đến Vĩnh Phúc tăng cao nhưng doanh thu từ du lịch còn thấp, do mức chi tiêu bình quân của du khách mới chỉ dừng ở mức tối thiểu - khoảng 400.000 đồng - 500.000 đồng/ngày/khách.
Nguyên nhân nguồn lợi kinh tế khai thác từ du lịch chưa đạt như mong muốn, chủ yếu do lượng khách lưu trú dài ngày không nhiều – du khách tìm đến Vĩnh Phúc theo kiểu đi về trong ngày còn chiếm tỷ lệ cao. Vĩnh Phúc vẫn còn thiếu các sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao.
Một trong những giải pháp kích cầu du lịch được triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là xây dựng hệ thống sản phẩm qùa tặng du lịch – với mục tiêu xây dựng những sản phẩm chất lượng cao, mang đậm nét văn hóa đặc trưng vùng miền, để du khách mua làm quà lưu niệm, sử dụng, hoặc làm quà biếu tặng. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, có ý kiến cho rằng vẫn còn manh mún, và thực sự khó khăn.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng còn nhiều khó khăn
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị xung quanh vấn đề trên, ông Trịnh Hoàng Trọng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tam Đảo – cho rằng, nhiều sản phẩm quà tặng du lịch mà mỗi khi được nhắc đến, thì người ta nghĩ ngay đến văn hóa, vùng đất và con người nơi sản sinh ra những đặc sản đó, Vĩnh Phúc cũng không ngoại lệ.
“Bản thân tôi đẩy mạnh canh tác phát triển cây trà hoa vàng, và các sản phẩm trà hoa vàng từ năm khoảng năm 2016, khó khăn bủa vây tứ phía, từ sản xuất đến quảng bá sản phẩm, vốn liếng. Trà hoa vàng được ghi nhận là một trong những sản phẩm nông nghiệp “đặc sản” của Vĩnh Phúc bởi giá trị đem lại những lợi ích sức khỏe. Nhưng khó khăn đối với doanh nghiệp, là chưa được quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất một cách quy mô, bài bản – sản xuất vẫn manh mún, tự phát.” – ông Trịnh Hoàng Trọng cho biết.
Cũng theo ông Trịnh Hoàng Trọng, ngoài khó khăn về vùng nguyên liệu, các đơn vị sản xuất nông nghiệp đặc sản còn gặp khó khăn trong công tác hỗ trợ trưng bày quảng bá sản phẩm.
Cùng trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Tam Đảo cho rằng: Với những lợi thế nổi trội về thời tiết địa hình không nơi nào có, cảnh quan lại tươi đẹp nên Tam Đảo hoàn toàn có thể xây dựng thành công những thương hiệu sản phẩm giàu giá trị bản sắc văn hóa vùng miền.
Bước đầu đã có những sản phẩm quà tặng du lịch mang đặc trưng vùng miền được du khách mỗi khi về Vĩnh Phúc biết đến, như đông trùng hạ thảo Tam Đảo, trà hoa vàng, mật ong Tam Đảo, và một số sản phẩm thủ công mĩ nghệ gốm sứ, hay sản phẩm mộc…
Nhưng theo ông Nguyễn Xuân Thọ, vấn đề khó khăn trong xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền, thì hiện nay ở Vĩnh Phúc vẫn đang thiếu sự gắn kết giữa các bên gồm: chính sách quản lý của Nhà nước - nhà khoa học với người dân, những người trực tiếp nuôi trồng sản xuất.
Thực tế, Tảm Đảo có nhiều sản vật chất lượng tốt, đặc biệt là cây dược liệu quý như trà hoa vàng, ba kích, sâm cau… những loại này trước kia mọc hoang dã tự nhiên. Nhưng hiện nay các giống dược liệu này ngày càng khan hiếm cạn kiệt do khai thác quá mức, hoặc sa sút chất lượng do không được chú ý bảo tồn.
“Nếu quy hoạch được khu trưng bày các sản phẩm đặc sản vùng miền, quà tặng du lịch tại Tam Đảo, hay Tây Thiên; hoặc quy hoạch xây dựng được một khu chợ nông sản theo kiểu chợ truyền thống để cư dân họp bán các sản vật địa phương, sẽ có ý nghĩa rất lớn với doanh nghiệp, cũng như người dân địa phương, từ đó thu hút nhiều du khách thúc đẩy du lịch phát triển.” – ông Nguyễn Xuân Thọ nói.