Vốn vay giải quyết việc làm: Tạo sức bật cho người dân, doanh nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều cá nhân, DN trên địa bàn Hà Nội đã vượt qua khó khăn, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội

Được tiếp cận với Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, anh Vũ Văn Đăng, chủ một cơ sở dệt ở làng nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức đã phát huy hiệu quả đồng vốn, tăng thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho 2 lao động ở địa phương.

Anh Vũ Văn Đăng cho biết, do thiếu vốn, nên trước đây vợ chồng anh chỉ có 1 máy dệt đặt tại nhà, trong khi nhu cầu đặt hàng rất lớn. May mắn, tháng 1/2021, anh được vay 60 triệu đồng từ gói vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Từ nguồn vốn này, anh đầu tư thêm 1 máy dệt nữa. Trung bình, mỗi máy dệt cho lãi khoảng 350.000 – 400.000 đồng/ngày. Từ nguồn thu nhập tăng thêm, năm 2022, anh tiếp tục đầu tư 2 máy dệt, nâng tổng số máy của cơ sở lên 4 máy, thu nhập của gia đình cũng tăng gấp 4 lần so với trước đây.

Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Quang Hinh - xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức đang tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương.
Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Quang Hinh - xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức đang tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương.

Cũng được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11, anh Nguyễn Quang Hinh, chủ cơ sở dệt khăn ở thôn Thượng, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức hiện đang tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động, doanh thu mỗi năm hơn 10 tỷ đồng. “Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của NHCSXH tôi đã có cơ hội đầu tư thêm máy móc, nhập nguyên liệu để sản xuất. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn vốn vay này thực sự hiệu quả, tiếp thêm động lực giúp cơ sở của tôi phục hồi sản xuất” – anh Hinh nói.

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, nhiều cá nhân, DN đã thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới giúp nâng cao năng suất lao động. Gia đình bà Nguyễn Thị Sơn, ở làng nghề rèn Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông đã làm nghề rèn hàng chục năm nay. Nhờ được vay 70 triệu từ nguồn vốn giải quyết việc làm, gia đình bà mạnh dạn đầu tư mua máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất. Có máy móc, gia gia đình bà chuyển sang làm phôi dao để cung cấp cho các cơ sở khác. “Nhờ đầu tư máy móc vào sản xuất nên năng suất lao động của gia đình tôi tăng gấp 10 lần so với trước. Ngoài 3 lao động của gia đình, tôi còn thuê thêm 2 lao động địa phương” – bà Nguyễn Thị Sơn chia sẻ.

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Nghị quyết 11 là chủ trương, chính sách đúng đắn và có ý nghĩa lớn trong việc phục hồi kinh tế - xã hội của địa phương sau dịch Covid-19. Ngay sau khi được phép giải ngân các gói vay, Chi nhánh đã kịp thời huy động toàn bộ lực lượng đi đến tận các xã để rà soát đối tượng thụ hưởng, giải ngân nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi, đưa nguồn vốn vay kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng. Qua đó, góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP trên địa bàn TP tính từ khi triển khai thực hiện đến 31/1/2023 là 178.635 triệu đồng, với 2.770 khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ là 1.540 triệu đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 177.095 triệu đồng, với 2.749 khách hàng. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm doanh số cho vay là 140.000 triệu đồng với 2.414 khách hàng; dư nợ đến 31/1/2023 đạt 140.000 đồng.

Đánh giá hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn Trung ương và nguồn nhận ủy thác của địa phương, ông Phạm Văn Quyết cho hay: "Nguồn vốn đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. Tín dụng chính sách xã hội được triển khai gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển chuỗi liên kết... đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn Hà Nội, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình 04/CTr-TU và Chương trình 08/CTr-TU của Thành ủy".

Sau khi được tiếp cận gói vốn vay giải quyết việc làm, anh Vũ Văn Đăng đã mua thêm máy móc, tạo việc làm cho người lao động.
Sau khi được tiếp cận gói vốn vay giải quyết việc làm, anh Vũ Văn Đăng đã mua thêm máy móc, tạo việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã giúp hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn, hộ khó khăn tại khu vực đô thị thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bổ sung nguồn vốn, tăng hạn mức vay

Mặc dù nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận không nhỏ người lao động, DN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là lao động bị mất việc làm từ các TP, khu công nghiệp trở về địa phương, vì vậy, nhu cầu vay vốn vẫn rất lớn.

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Bùi Quang Vinh cho biết: Qua rà soát, tổng

 

NHCSXH kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tăng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi thực hiện Nghị quyết 11. Bên cạnh đó, cho phép NHCSXH điều chỉnh linh hoạt tổng nguồn vốn cho vay các chính sách tín dụng ưu đãi (cho vay mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…) có nhu cầu vay vốn thấp hơn so kế hoạch giao tại Nghị quyết 11/NQ-CP chuyển sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đảm bảo tổng dư nợ các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số11/NQ-CP đến 31/12/2023 tối đa là 38.400 tỷ đồng. - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Bùi Quang Vinh.

hợp từ các tỉnh, TP, nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm năm 2022 và 2023 trên toàn quốc rất lớn (khoảng trên 43.000 tỷ đồng), trong khi kế hoạch bố trí vốn cho chương trình tín dụng trong 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP là 10.000 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2022, NHCSXH đã thực hiện giải ngân đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Một số địa phương chưa bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương tương xứng với tiềm năng để ủy thác qua NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay. Vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của người lao động trên địa phương.

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Đức Tạ Đức Thức kiến nghị: Hiện nay, nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì việc làm theo Nghị quyết 11, cũng như các nguồn tín dụng ưu đãi tạo việc làm trên địa bàn huyện Mỹ Đức rất lớn. Vì vậy, thời gian tới NHCSXH Mỹ Đức mong muốn các cấp quan tâm, tạo điều kiện và bổ sung thêm nguồn vốn vay để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Phạm Văn Quyết cho biết, để tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn Hà Nội trong năm 2023, Chi nhánh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu và tiếp cận nguồn vốn.

Cùng với đó, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát vốn vay của các cấp, các ngành đối với những trường hợp đã được giải ngân các chương trình tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả kịp thời nợ vay (gốc và lãi) đúng thời hạn quy định, không để phát sinh nợ quá hạn. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo nguồn vốn được triển khai kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, an toàn và phát huy hiệu quả, ý nghĩa kinh tế - xã hội.