Tại phiên tòa này, luật sư Nguyễn Minh Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Saga đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Chưa làm rõ hành vi chiếm đoạt
Theo luật sư Nguyễn Minh Anh, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và nhận thấy Bản kết luận điều tra số 61/C45-P7 ngày 26/9/2015, Bản kết luận điều tra bổ sung số 05/C45-P7 ngày 22/01/2016, Bản kết luận điều tra bổ sung số 40/C45-P7 ngày 19/5/2016, Bản kết luận điều tra bổ sung số 158/C45(P7) ngày 19/10/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ công an và Cáo trạng số 75/VKSTC-V2 ngày 14/11/2017 của Viện KSND Tối cao chưa đủ căn cứ để làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của bị can Saga cũng như hành vi phạm tội của những đối tượng được cho là đồng phạm khác từ đó dẫn tới việc phản ánh không đầy đủ, khách quan tính chất của vụ án ảnh hưởng tới việc xét đoán tội danh.
Cụ thể: Thứ nhất, bản Cáo trạng và kết luận điều tra chưa làm rõ được hành vi chiếm đoạt tiền của Saga. Tại Bút lục 403, 411, 417, 420 và nhiều lời khai khác Saga đều khẳng định mình có chuyển tiền về Đài Loan để tiến hành các công việc đầu tư như chứng khoán, bất động sản, khách sạn ... Theo đó, Saga khai các đối tượng là Lưu Kiến Phúc, Lưu Kiến Toàn, Trần Kiến Quốc và ông Phạm đều là các đối tượng Saga chuyển tiền để đầu tư mặc dù phía Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội không thể xác minh. Đồng thời, trên thực tế Cơ quan CSĐT đã xác minh có việc chuyển tiền sang Đài Loan của Saga. Cụ thể, khoản tiền lớn nhất mà Saga chuyển sang Đài Loan là hơn 81 tỷ đồng được chuyển cho Lưu Kiến Phúc thông qua các tài khoản mà Phúc thông báo…
Từ đó, luật sư Minh Anh cho rằng, nội dung bản Cáo trạng và Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Bộ công an đã không xác định được đối tượng nhận tiền của Saga bên Đài Loan và khoản tiền này đã được sử dụng như thế nào thì không thể khẳng định Saga có hay không có hoạt động đầu tư tại Đài Loan và có hay không có hành vi chiếm đoạt tài sản từ khách hàng.
Thứ hai, bản Cáo trạng và kết luận của Cơ quan điều tra đã không làm rõ được khoản tiền hơn 59 tỷ đồng đã được sử dụng như thế nào. Bản cáo trạng khẳng định “Đối với số tiền còn lại hơn 59 tỷ đồng đồng, CQĐT không làm rõ được việc sử dụng của Saga” đây là nhận định mang tính áp đặt và phiến diện. Bởi, tất cả các khoản tiền CQĐT cho rằng Saga chiếm đoạt được hình thành thông qua việc thu tiền khách hàng bằng Hợp đồng ủy thác đầu tư mà Công ty Khải Thái ký kết với khách hàng. Từ đó, luật sư cho rằng có thể khẳng định mọi khoản tiền thu được từ khách hàng phải nằm trong hệ thống sổ sách tài chính thu chi của Công ty Khải Thái vì khách hàng là người trực tiếp nộp tiền vào hệ thống thủ quỹ của Công ty Khải Thái chứ không đưa trực tiếp tiền ủy thác đầu tư cho Saga. Theo đó, việc nhận định Saga sử dụng khoản tiền này là chưa có căn cứ.
Thứ ba, bản Cáo trạng và kết luận của Cơ quan điều tra đã không xác định được cụ thể bị hại trong vụ án này. Tại Bản kết luận điều tra số 61/C45-P7 ngày 26/9/2015 của Cơ quan CSĐT - Bộ công an đã nhận định “Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất trong các vụ án cùng loại trước đây, đó là việc cơ quan điều tra quyết định triệt phá tổ chức này, trước khi xảy ra tình trạng “vỡ tín dụng”, ngăn ngừa đối tượng phạm tội bỏ trốn; với số tài sản đã thu giữ, phần nào bù đặt được thiệt hại cho người bị hại”.
Theo luật sư Minh Anh, chính từ quyết định ngăn chặn của Cơ quan CSĐT – Bộ công an nên việc xác định bị hại trong vụ án hình sự này là rất mơ hồ và có nhiều tranh cãi. Bởi, rất nhiều khách hàng đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư với Công ty Khải Thái đã cho rằng mình không phải bị hại trong vụ việc. Và nếu cho rằng tất cả khách hàng ký hợp đồng với Khải Thái là bị hại thì vụ án này còn thiếu nhiều bị hại mà cụ thể mới xác nhận được 724 bị hại trên tổng số 1586 bị hại…
Thứ tư, cáo trạng của phía VKSND TP Hà Nội cho rằng các bị can Phan Kiện Trung và Đoàn Thị Luyến, Đinh Thị Hồng Vinh, Tăng Hải Nam, Nguyễn Mạnh Linh và Trịnh Hoàng Bình là đồng phạm của Saga về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” điều này là không hợp lý và có phần khiên cưỡng.
Vi phạm nhiều quy định về tố tụng
Cũng theo luật sư Minh Anh, trong quá trình điều tra các cơ quan tố tụng đã vi phạm nhiều quy định về mặt tố tụng. Cụ thể,
Cơ quan điều tra và VKS chấp nhận việc tách 18 đối tượng khác là trưởng, phó phòng làm việc tại Công ty Khải Thái và đối tượng nhận tiền của Saga bên Đài Loan là Nguyễn Hồng Tâm tách ra để tiếp tục điều tra gây ảnh hưởng tới tính toàn diện, khách quan của vụ án. Thiếu người tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng mà cụ thể trong vụ án này là những người đã từng giữ chức vụ kế toán trong Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Khải Thái.
Ngoài ra, về việc xử lý vật chứng, Cơ quan điều tra và nội dung Bản cáo trạng chấp nhận việc trả lại cho bà Lê Thị Thu Hà số tiền 1 tỷ đồng là hoàn toàn vi phạm luật tố tụng về xử lý vật chứng. Tiếp đó là vi phạm các nguyên tắc cơ bản khi Cơ quan CSĐT - Bộ công an quyết định ngăn chặn tội phạm. Theo đó, việc ngăn chặn tội phạm chỉ diễn ra khi bắt được quả tang việc phạm tội hoặc có bằng chứng rất rõ ràng về việc phạm tội cũng như đã có đủ các căn cứ chứng minh cho việc phạm tội thì mới xem xét ngăn chặn.
Tuy nhiên, luật sư Minh Anh cho rằng, ở vụ án này khi quyết định ngăn chặn tội phạm Cơ quan CSĐT đã không có đủ bằng chứng để chứng mình cho quyết định ngăn chặn tội phạm của mình và khi đã ngăn chặn để điều tra vẫn không làm rõ được hành vi chiếm đoạt tiền của các bị can. Bởi, Saga cũng mới chỉ có hành động chuyển tiền qua biên giới nhưng mục đích chuyển tiền này là gì chưa làm rõ, tiền sử dụng vào mục đích nào chưa làm rõ…
Từ những lập luận nêu trên và căn cứ vào các quy định của pháp luật, luật sư Minh Anh đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm đảm bảo tính khách quan, toàn diện trong vụ án để có thể xét xử đúng người, đúng tội.