Vụ hoa hậu bị tố lừa “đại gia”: Tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Trúc Mai - Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/6, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục ngày thứ 5 xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 2 bị cáo Trương Hồ Phương Nga (sinh năm 1987, ở Hà Nội) và Nguyễn Đức Thùy Dung (sinh năm 1987, ở tỉnh Tây Ninh).

Tại phiên tòa này, sau khi họp bàn bạc thống nhất, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã công bố quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn và cho 2 bị cáo Nga và Dung được tại ngoại để phục vụ công tác điều tra. Đồng thời, HĐXX cũng quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì lý do trong quá trình xét hỏi có nhiều vấn đề chưa được làm rõ.
2 bị cáo Nga và Dung tại phiên tòa ngày 29/6. Ảnh: Trúc Mai
Theo HĐXX, tại phiên tòa ngày 29/6, 2 bị cáo Nga và Dung khai số tiền 16,5 tỷ đồng là tiền ông Mỹ cho Nga. Trong khi đó, ông Mỹ cho rằng đây là tiền đưa cho bị cáo Nga mua nhà giá rẻ. Ngoài ra, trong lời khai, bị cáo Nga cho rằng mình bị ông Mỹ đe dọa nên mới làm theo yêu cầu của bà Mai Phương trong việc tạo lập giấy tờ mua bán nhà và những tạo lập này được hình thành sau khi ông Mỹ gửi đơn tố cáo.

Bên cạnh đó, lời khai của ông Mỹ về số tiền mua nhà cho thấy sự mâu thuẫn và không đồng nhất. Đồng thời, lời khai của nhân chứng cũng mâu thuẫn. Vì vậy, cần xác định thời gian tạo lập những giấy tờ mua bán nhà và trong quá trình điều tra phải xác định vai trò của bị cáo Dung có phải là đồng phạm hay không.

Cũng theo HĐXX, nếu kết quả điều tra cho thấy số tiền 16,5 tỷ đồng không phải tiền mua nhà thì cần điều tra rõ ai là người tạo lập những giấy tờ này. Làm rõ việc bị cáo Nga thuê “xã hội đen” đe dọa ông Mỹ và ngược lại. Tiếp tục truy xuất vào gmail của bị cáo Nga để làm rõ “Hợp đồng tình cảm”.

Tại phiên tòa, nhân chứng Lữ Minh Nghĩa (người yêu bị cáo Dung) đã khai thông qua một người tên Nghĩa là cán bộ trại giam để thông cung ra bên ngoài. Vì vậy, cần làm rõ nội dung các bức thư trên túi nilon, những người tạm giam chung phòng với bị cáo Dung và có hay không hành vi vi phạm hoạt động tư pháp của cán bộ trại giam trong việc thông cung.

Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị làm rõ 2 bản lời khai của ông Mỹ và bị cáo Nga được cho giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy để xác định có việc ép cung hay không. Làm rõ 17 lần xuất cảnh giữa bị cáo Nga và ông Mỹ. Bởi, tại tòa ông Mỹ khẳng định chỉ vô tình đi chung nên cần điều tra làm rõ đâu là lời khai chính xác.

Trước đó, luật sư đã có đơn khẩn cấp gửi TAND TP Hồ Chí Minh kiến nghị cho các bị cáo được tại ngoại điều tra. Bởi, các bị cáo có nơi ở ổn định, không có dấu hiệu bỏ trốn, không nguy hiểm cho xã hội và đặc biệt không cản trở các hoạt động điều tra, xét xử. Đồng thời, các luật sư cũng kiến nghị thay đổi biện pháp tạm giam đối với hai bị cáo vì cho rằng, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ hồ sơ vụ án, kết quả thẩm tra, xét hỏi và các chứng cứ giao nộp mới đây cho thấy có dấu hiệu oan sai. Như vậy, tính đến nay, 2 bị cáo Nga và Dung đã bị tạm giam 2 năm 3 tháng 9 ngày để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Về các lời khai qua ghi âm và hình ảnh về bà Mai Phương, HĐXX đã yêu cầu niêm phong để phục vụ công tác điều tra. Tương tự, đối với các lời khai của nhân chứng Lữ Minh Nghĩa, bà Hồ Mai Phương… HĐXX cũng yêu cầu niêm phong với chữ ký của các nhân chứng và đại diện luật sư, Viện kiểm sát.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần