Xã hội hóa tu bổ di tích tại Ba Vì: Khi sức dân được “kích hoạt”

Hồng Đạt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song nhiều người dân huyện Ba Vì đã tích cực tham gia ủng hộ, công đức để tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn.

Tích cực ủng hộ
Di tích đầu tiên ghi dấu ấn về xã hội hóa kinh phí tu bổ trong nhiều năm qua ở Ba Vì phải kể đến công trình đình Thuần Mỹ, thờ Tam Vị Tản Viên Sơn Thánh và phối thờ công chúa Ngọc Dung. Theo các vị cao niên trong làng, xã Thuần Mỹ xưa kia là xã Lương Tuyền, có đầy đủ các công trình văn hóa, tín ngưỡng dân gian cổ kính như đình – đền – chùa Bảng Trung, đình Lương Lê, Lương Phú, chùa Thạch Xá, miếu Vĩnh Long… Tuy nhiên, các công trình này đều bị thực dân Pháp tàn phá, đốt cháy trong kháng chiến chống Pháp.
Ông Phạm Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Thuần Mỹ cho biết: Trước tình hình đó, được sự nhất trí của huyện Ba Vì, xã đã vận động Nhân dân xây dựng ngôi đại đình, khởi công từ tháng 11/2012, trên khu đất rộng gần 10.000m2 với kinh phí lên đến 20 tỷ đồng. Sau gần 2 năm thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Di vật trong đình Thuần Mỹ tương đối phong phú về chủng loại và chất liệu như đồ gỗ, đồ sứ, đồ đồng…
 Đình Hạc Sơn, xã Châu Sơn được tu bổ từ nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: Hồng Đạt
Không chỉ ở Thuần Mỹ, tại các địa phương khác, nhiều công trình đình, chùa tiếp tục được xã hội hóa tu bổ, tôn tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Ở xã Thái Hòa, năm 2018, Nhân dân thôn Trung Hà đóng góp xã hội hóa xây dựng đình làng đã xuống cấp với tổng số tiền là hơn 5 tỷ đồng.
Năm 2019, cán bộ và Nhân dân thôn Chu Mật, tại hội nghị đại biểu Nhân dân thống nhất đóng góp tu sửa đình làng. Các hộ dân rất đồng thuận, đóng góp 1 triệu đồng/hộ, gia đình có đầu đinh còn góp thêm 200.000 đồng. Với số tiền đóng góp hơn 300 triệu đồng, công trình được tu sửa, chống xuống cấp, tạo diện mạo mới khang trang.
Một cây làm chẳng nên non
Đình làng Hạc Sơn, xã Châu Sơn được xây dựng, khôi phục cơ bản năm 2010. Năm 2014, đình được UBND TP Hà Nội công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp TP. Để bảo đảm khuôn viên đình ngày càng rộng đẹp, nhiều năm qua, cán bộ và Nhân dân trong làng cùng các tấm lòng hảo tâm xa gần đã đóng góp kinh phí hơn 3 tỷ đồng mở rộng đường vào đình, nâng cấp mái đình, xây mới cột trụ, tường hoa, làm cống bảo vệ, bậc thang xuống ao... Công trình sau khi hoàn thành đã làm sống lại ngôi đình làng Hạc Sơn vừa thừa kế kiến trúc cổ xưa, vừa tiếp thu nét kiến trúc tâm linh văn minh, hiện đại.
Đình làng Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng nằm trong cụm di tích đình, đền Nhuận Trạch đã được công nhận di tích lịch sử. Tuy nhiên, do chiến tranh và dòng chảy thời gian, công trình chỉ còn một phần nhỏ hậu cung. Đời sống kinh tế khó khăn, để Nhân dân đóng góp số tiền lớn xây dựng đình là cả một vấn đề. Vì vậy, năm 2019, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thủy, một người dân trong thôn đã đứng ra xin cán bộ và Nhân dân trong làng làm toàn bộ mới đình làng Nhuận Trạch. Công trình trị giá trên 15 tỷ đồng với đầy đủ các hạng mục từ hậu cung, khuôn viên, tường bao, đồ thờ... được lấy ý kiến của Nhân dân ở thôn, sự đồng ý của các cấp về xây dựng, thiết kế.
Theo lãnh đạo huyện Ba Vì, toàn huyện có hơn 100 di tích được xếp hạng, trong đó nhiều di tích bị xuống cấp. Việc tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn là mong mỏi lớn của người dân. Với phương châm “một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao”, các địa phương đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp trong tu bổ, xây mới nhiều di tích bị tàn phá, xuống cấp. Thời gian tới, cùng với nguồn lực của Nhà nước, huyện Ba Vì tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn vận động Nhân dân đóng góp, tu bổ các di tích tâm linh. Từ những di tích được trùng tu, ngoài việc phục vụ nhu cầu tâm linh của Nhân dân, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn huyện Ba Vì.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần