Xác định rõ không gian để tạo dựng môi trường Hà Nội xanh, hiện đại

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Sở TN&MT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến sở, ngành, chuyên gia, nhà khoa học về phương án phát triển ngành và nguyên tắc, cách thức tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Đất đai, môi trường Thủ đô còn nhiều hạn chế

Tại tọa đàm, đại diện các đơn vị tư vấn đã báo cáo tóm tắt hiện trạng các lĩnh vực thuộc lĩnh vực TN&MT như: biến động sử dựng đất; bảo vệ môi trường; khai thác sử dụng tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học… cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Toàn cảnh buổi tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Cụ thể, trong lĩnh vực đất đai, các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất với một số mục đích sử dụng còn thấp; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP và các quận, huyện, thị xã chậm so với quy định về thời gian của kỳ quy hoạch, kế hoạch. Đặc biệt, một số địa phương chưa có được bản đồ địa chính đo vẽ chính thức, gây khó khăn, hạn chế trong quản lý đất đai. Việc cập nhật thông tin biến động, chỉnh lý biến động trên bản đồ, hồ sơ địa chính chưa đều đặn.

Về hiện trạng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đơn vị tư vấn cho hay, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước nguy cơ tình trạng suy thoái đa dạng dạng sịnh học do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Các hệ sinh thái tự nhiên suy giảm cả về chất lượng, số lượng và diện tích. Các cá thể động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm suy giảm mạnh, nhiều nguồn gen bị thất thoát. Hệ thống sông hồ, đầm cũng đang chịu rất nhiều áp lực từ những dự án phát triển hạ tầng, gây ra hiện tượng xói lở, cạn kiệt dòng chảy ảnh hưởng đến các loài thủy sinh

Đối với hiện trạng môi trường và những vấn đề môi trường cấp bách của Hà Nội, đơn vị tư vấn đánh giá, tình trạng ô nhiễm và suy giảm chất lượng không khí, đặc biệt ở các quận nội thành vào thời kỳ có gió mùa Đông Bắc hoạt động. Ô nhiễm và suy giảm chất lượng nước mặt, đặc biệt đối với các sông, hồ nội thành; ô nhiễm nước dưới đất và tình trạng sụt lún đất trên địa bàn Hà Nội; Ô nhiễm môi trường đất vùng thâm canh cây tập trung và ở một số bãi chôn lấp chất thải; Gia tăng áp lực môi trường do chất thải rắn sinh hoạt…

Hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, đô thị, sân golf

Từ những tồn tại, hạn chế được phân tích, đơn vị tư vấn đã đề xuất các phương án phát triển từng lĩnh vực thuộc ngành TN&MT. Trong lĩnh vực đất đai đã đưa phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả quỹ đất, đảm bảo hài hòa giữa các mục đích sử dụng đất gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP ở từng thời kỳ. Tại các quận nội thành quỹ đất hạn chế, mật độ dân số đông; các huyện ngoại thành, nhất là khu vực phía Tây việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang diễn ra nhanh chóng. Chỉnh trang các khu dân cư hiện trạng, mở rộng diện tích đất ở thông qua xây dựng các khu dân cư mới quy mô tập trung; Diện tích đất công được bảo vệ để dự trữ cho các mục đích công cộng.

TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) góp ý tại tọa đàm
TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) góp ý tại tọa đàm

Ổn định quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành mũi nhọn có khả năng tạo sự tăng trưởng nhanh trong nông nghiệp. Đảm bảo ổn định diện tích đất trồng lúa, duy trì và bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát triển rừng và sản xuất lâm nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt. Hạn chế đến mức thấp nhất chuyển đổi đất nông nghiệp trồng hai vụ lúa sang phát triển các khu công nghiệp, sân golf, các khu đô thị…

Đối với phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chỉ tiêu cụ thể đến 2030, 100% các loài đặc hữu, quý, hiếm có giá trị khoa học và kinh tế của Thủ đô được đưa vào bảo tồn hiệu quả tại các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng. 100% diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất ngập nước quan trọng và các hệ sinh thái đặc trưng trên toàn địa bàn Thủ đô Hà Nội được đưa vào chiến lược khai thác và bảo tồn ở cấp độ khác nhau.

Đồng thời, ban hành danh mục các loài và các hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng của Thủ đô Hà Nội cần được ưu tiên bảo tồn. Tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 8,3% (bao gồm cả diện tích đất thành rừng và chưa thành rừng) và tỷ lệ cây xanh của đô thị đặc biệt Thủ đô Hà Nội lên 10 - 12 m2/người. Phục hồi được các hệ sinh thái sông, hồ đô thị bị ô nhiễm và triển khai hiệu quả cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.

Về phương án bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội, đơn vị tư vấn đề xuất mục tiêu đến năm 2030 ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường; chủ động phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm; từng bước phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường nước mặt, nước dưới đất, không khí.

Đáng chú ý, đề xuất xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, vấn đề môi trường cấp bách và các điểm nóng về môi trường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Chuyển từ bị động giải quyết vấn đề môi trường sang chủ động bảo vệ môi trường theo hướng tích hợp dựa trên kiểm soát chặt chẽ nguồn thải, kiểm soát diễn biến chất lượng môi trường bằng hệ thống quan trắc và giám sát môi trường, chuyển đổi số và xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường số của Thủ đô Hà Nội.

Quản lý hiệu quả chất thải rắn(sinh hoạt, công nghiệp, y tế, xây dựng), hình thành đồng bộ và hoạt động hiệu quả các khu xử lý chất thải tập trung; hướng tới hình thành khu công nghiệp tái chế chất thải trên địa bàn Thủ đô.

Bản đồ hiện trạng phân vùng môi trường TP Hà Nội.
Bản đồ hiện trạng phân vùng môi trường TP Hà Nội.

Cần có phương án cụ thể

Góp ý phương án phát triển các lĩnh vực thuộc ngành TN&MT Thủ đô, TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho rằng, làm thế nào trong những năm tới phải khẳng định môi trường Thủ đô là điểm nhấn: không khí sạch, nước sạch, không ùn ứ rác thải; nhắc đến Thủ đô là nhắc đến môi trường xanh, sạch, đẹp.

Thực hiện được nhiệm vụ này cũng là nhằm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết 15 của Bộ chính trị về xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, văn hiến, hiện đại. Do đó, thời gian tới không chỉ ngành TN&MT mà chính quyền TP phải có quyết sách mạnh mẽ hơn, cương quyết trả lại môi trường cho Hà Nội, phải có giải pháp để Hà Nội không còn phải chịu cảnh không khí ô nhiễm, các dòng sông vẩn đục. Có giải quyết được những tồn tại về môi trường thì Hà Nội mới thu hút được khách du lịch, mới thực sự trở thành điểm đến, là TP đáng sống.

Về phương án quy hoạch phát triển các lĩnh vực để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, Hà Nội không giống các Thủ đô khác là có cả thành thị và nông thôn. Chất lượng môi trường vì thế từng khu vực có sự khác nhau. Do đó, Quy hoạch phải đưa ra những phương án cụ thể, và phải bám sát vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Phải phân tích rõ hơn về hiện trạng với từng quận, huyện, từng lưu vực sông, nhất là Hà Nội có chủ trương xây dựng mô hình TP trong TP, phát triển trục sông Hồng… rất cần phân tích hiện trạng từng khu vực xem còn có sức chịu tải, còn dư địa phát triển không.

Về mục tiêu phát triển, TS Hoàng Dương Tùng đề xuất nên cụ thể hơn về chất lượng môi trường đến các mốc thời gian 2030, 2040, 2050 từ đó lật ngược trở lại các ngành các cấp cần làm gì mới đạt được mục tiêu đó. Bên cạnh đó, cần có những chương trình ưu tiên trong từng giai đoạn mà không thể dàn trải. “Cải thiện môi trường không thể tay không bắt giặc, mà luôn cần nguồn lực lớn, đầu tư kinh phí tốn kém, cần có kế hoạch cụ thể để đầu tư”.

Trong khi đó, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đánh giá, phương án phát triển do đơn vị tư vấn thực hiện khá chi tiết nhưng chưa toát lên Hà Nội sẽ bố trí không gian như thế nào cho các lĩnh vực này; chưa thấy các yếu tố xây dựng TP xanh, hiện đại mà Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Hà Nội. Chưa xác định TP xanh là gì, trong khi đây là mục tiêu quan trọng trong xây dựng quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Do đó, đơn vị tư vấn cần đánh giá rõ hiện trạng, nhất là hiện trạng về đất đai để từ đó có có phương án bố trí không gian cho từng lĩnh vực phát triển.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải ghi nhận, đánh giá các đơn vị tư vấn đã có sự chuẩn bi kỹ càng; các chuyên gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện trăn trở trước những vấn đề lớn của TP liên quan đến công tác đất đai, tài nguyên thiên nhiên, môi trường…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu kết luận tọa đàm
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu kết luận tọa đàm

Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị lãnh đạo Sở TN&MT cùng các đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp để tiếp tục phối hợp làm việc, bổ sung những vấn đề lớn, trọng yếu lại vừa cụ thể, đặc biệt làm rõ nét mới, sự đột phá và tầm nhìn khát vọng của lĩnh vực, ngành trong lập Quy hoạch Thủ đô. Trong đó, quan điểm về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường là sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, chú ý đến tài nguyên rừng trên địa bàn Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp; chú trọng không gian mặt nước của hệ thống sông, hồ và khai thác và sử dụng có hiệu quả không gian xanh của Thủ đô, từng bước xây dựng những khu vực đô thị đặc sắc kết hợp cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử và có chất lượng cao để thu hút giới tinh hoa đến sinh sống và làm việc, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô.

Theo Phó Chủ tịch TP Hà Minh Hải, buổi làm việc cũng là dịp để tập thể cán bộ, lãnh đạo Sở TN&MT lắng nghe toàn bộ về hiện trạng của ngành với những lĩnh vực quản lý rộng, khối lượng công việc lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển của Thủ đô, từ đó thay đổi nhận thức, vào cuộc quyết liệt hơn cùng với các sở ngành, chính quyền TP giải quyết những bài toán đang đặt ra.

Phó Chủ tịch TP đề nghị, sau buổi tọa đam này Sở TN&MT nên tổng hợp, có báo cáo gửi lãnh đạo TP, xác định các vấn đề cấp bách để tập trung thời gian, công sức, nguồn lực sớm tập trung giải quyết. “Việc này không chỉ giúp cho lập quy hoạch mà còn giúp công tác quản lý ngành tốt hơn, đề xuất các định hướng, chiến lược và kế hoạch triển khai thực hiện sau này” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh.