Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nông thôn mới miền núi Quảng Ngãi, vượt khó để thành công

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Với 8/64 xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quảng Ngãi đang nỗ lực đến năm 2025 có thêm 13 xã “về đích”.

Tại Sơn Tây- một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Ngãi- tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đang là thách thức của các xã thuộc địa phương này khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sơn Tây có điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi.
Sơn Tây có điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi.

Đơn cử như Sơn Dung, đây là xã miền núi với điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi, trình độ của người dân còn thấp, kỹ thuật canh tác thô sơ, lạc hậu, chủ yếu dựa vào nương rẫy theo lối truyền thống. Quy mô sản xuất và chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.

“Theo quy định, thu nhập bình quân đầu người phải đạt 38 triệu đồng/người/năm, nhưng đến cuối năm 2023 xã mới chỉ đạt 21 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo cũng khó đạt vì hiện nay  còn 28%, theo quy định phải dưới 13%”- Chủ tịch UBND xã Sơn Dung Nguyễn Văn Trí cho biết.

Để đạt mục tiêu năm 2025 đưa xã Sơn Dung về đích NTM, ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Sơn Tây đang nỗ lực huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang chia sẻ, nếu chỉ chờ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thì rất khó hoàn thành các mục tiêu.

Vì vậy, UBND huyện chỉ đạo các địa phương lồng ghép các nguồn vốn nhưng phải đảm bảo không chồng chéo. Đối với 2 xã đang phấn đấu về đích NTM vào năm 2025 là Sơn Mùa và Sơn Dung, UBND huyện sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn để các xã hoàn thành các mục tiêu về xây dựng cơ sở vật chất.

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, tính đến tháng 3/2024, toàn tỉnh có 94/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 63,51%; có 5/53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 9,43%; chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Trong khi đó, xã Ba Điền (huyện Ba Tơ) đặt mục tiêu về đích NTM vào cuối năm 2023. Tuy nhiên mục tiêu này đã không hoàn thành vì còn vướng 7 tiêu chí gồm: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế và môi trường. 

“Mặc dù được cơ quan chức năng cấp trên ưu tiên hỗ trợ đầu tư để thực hiện các tiêu chí, nhưng nhu cầu thực tế xã cần khoảng 27 tỷ đồng để đầu tư 24 công trình thiết yếu”- Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền Phạm Văn Ênh cho hay.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Ba Tơ đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 5 xã đạt chuẩn NTM. Nhưng qua rà soát,  việc hoàn thành lại không hề đơn giản.

 Nguồn vốn đầu tư cho các tiêu chí hạ tầng đang là vấn đề khó của huyện Ba Tơ.
 Nguồn vốn đầu tư cho các tiêu chí hạ tầng đang là vấn đề khó của huyện Ba Tơ.

Do đó, huyện đã điều chỉnh, đặt mục tiêu giữ vững 2 xã đạt chuẩn NTM và phấn đấu đưa 3 xã Ba Liên, Ba Điền, Ba Vì về đích NTM. Khó khăn đối với các xã hiện nay chính là nguồn vốn đầu tư cho các tiêu chí hạ tầng.

"Nguồn thu ngân sách hạn chế, chưa cân đối được thu - chi, nên huyện chưa bố trí được vốn đối ứng thực hiện các dự án. Do vậy, chúng tôi đã đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí", Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam bày tỏ.

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm 13 xã thuộc 5 huyện miền núi đạt chuẩn NTM gồm: Trà Giang, Trà Tân, Trà Thủy (huyện Trà Bồng); Sơn Linh, Sơn Kỳ, Sơn Trung (huyện Sơn Hà); Sơn Dung, Sơn Mùa (huyện Sơn Tây); Long Hiệp, Long Mai (huyện Minh Long); Ba Liên, Ba Điền, Ba Vì (huyện Ba Tơ).

"Trợ lực" cho các địa phương này, năm 2024, Quảng Ngãi bố trí gần 290 tỷ đồng để thực hiện và duy trì tiêu chí NTM, đảm bảo 100% xã về đích NTM vào năm 2025; góp phần hoàn thành chỉ tiêu Trung ương giao tối thiểu 80% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM.

Đường giao thông miền núi được đầu tư mở rộng.
Đường giao thông miền núi được đầu tư mở rộng.

Dù rằng, so với tốc độ và tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh Quảng Ngãi, số xã đạt chuẩn NTM ở khu vực miền núi còn thấp. Nhưng nếu đánh giá điểm xuất phát và các yếu tố, điều kiện tự nhiên và xã hội, kết quả xây dựng NTM của 13 xã trên có nhiều chuyển biến tích cực. Ý chí phát triển kinh tế, nỗ lực thoát nghèo, chung sức xây dựng NTM của người dân cũng ngày càng cao.