Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng và quản lý không gian xanh: Giảm hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trong đợt nắng nóng đỉnh điểm của mùa Hè 2020, nhiệt độ tại khu vực trung tâm TP nơi có nhiều nhà cao tầng, đường bê tông luôn được dự báo cao hơn khu vực ngoại thành nhiều không gian xanh từ 1- 2 độ C.

Từ thực tế này, câu chuyện về quy hoạch đô thị của Hà Nội cần quan tâm đến phần diện tích của không gian cây xanh, công viên, hồ nước, bảo vệ môi trường Thủ đô, được người dân đặc biệt quan tâm.
Thiếu không gian xanh trong các khu đô thị
Do tốc độ đô thị hóa với sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu đô thị, tòa nhà cao tầng, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân trong khi những mảng xanh của cây cối, hồ nước còn ít ỏi dẫn đến hiện tượng “đảo nhiệt đô thị” tại khu vực trung tâm Hà Nội ngày càng rõ nét. Đi dọc một số tuyến phố tập trung nhiều tòa nhà cao tầng như Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển… đều dễ nhận thấy sự ngột ngạt, bỏng rát của hơi nóng phả ra từ mặt đường và những khối nhà bê tông cao tầng san sát nhau.
 Cây xanh, mặt nước là những yếu tố không thể thiếu trong việc bảo vệ môi trường đô thị.
Tại những khu vực này, ngoài những hàng cây xanh được TP trồng hai bên vỉa hè, rất hiếm thấy khuôn viên cây xanh giữa các tòa nhà. Trong khi đó, cây xanh, thảm cỏ, bề mặt thấm nước và mặt nước có vai trò rất lớn để giảm hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”.
Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, thời gian qua, xã hội chạy theo phát triển kinh tế, chạy theo giá trị bất động sản, nhà cao tầng xuất hiện nhiều và chủ đầu tư chỉ chú ý đến bán bất động sản. Trong khi đó, môi trường sống không được quan tâm nhiều. Trong nguyên tắc phát triển đô thị, chỉ cho xây dựng 40%, còn 60% là cây xanh, hồ điều hoà, mặt nước… để bảo đảm môi trường sinh học cho người dân khu vực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư xây nhà trước để có tiền, còn không gian công cộng làm sau, bởi lợi nhuận bất động sản vô cùng lớn.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cùng quan điểm và cho rằng, trong những năm gần đây, khi nhu cầu của người dân đô thị có xu hướng tiêu dùng ổn định và xanh hóa đời sống thì nhiều dự án đã chú trọng đầu tư vào cảnh quan, dành phần lớn quỹ đất để phát triển các không gian xanh, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội, khi hàng loạt khu chung cư, nhà ở cao tầng mọc lên thì diện tích đất dành cho cây xanh hầu như chỉ tồn tại trên bản vẽ. Thực tế, các chủ đầu tư chỉ chú trọng tận dụng diện tích đất để xây dựng các hạng mục công trình mà ít quan tâm tới hạ tầng nói chung. Nhiều dự án thường tận dụng hạ tầng cây xanh có sẵn để hợp thức hóa thực trạng thiếu cây xanh tại dự án của mình.
Huy động nguồn lực cộng đồng
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, việc phát triển và bảo tồn không gian xanh và mặt nước đã được chú trọng. Việc khai thác và duy trì hành lang xanh kết hợp với hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và bảo đảm môi trường sống đô thị đã được nhấn mạnh trong đồ án.
Những việc làm của Hà Nội trong thời gian qua như quy hoạch lại hệ thống cây xanh, chăm sóc, cải tạo hệ thống cây xanh trên đường phố, thay thế, chặt tỉa… là những hoạt động tích cực trong kế hoạch bảo vệ, phục hồi, bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh, phù hợp với quy hoạch, tạo bản sắc đô thị.
Tuy nhiên, công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng cây xanh, mặt nước vẫn còn có một số tồn tại. Cụ thể, việc quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn vẫn còn sự chồng chéo giữa các ban, ngành và lĩnh vực liên quan. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu diện tích đất cây xanh, mật độ xây dựng và mật độ cây xanh theo quy chuẩn quốc gia về quy hoạch trong nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình còn thiếu sự kiểm soát.
Theo ông Trần Ngọc Chính, để bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh, mặt nước, đáp ứng mục tiêu quy hoạch, bảo vệ môi trường, tạo bản sắc đô thị, công tác quy hoạch cây xanh phải được xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh, mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng. Phát triển cây xanh đô thị là một hoạt động bảo vệ môi trường đô thị, vì vậy cần phải xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội.

"Các khu đô thị mới chiếm một tỷ trọng rất lớn trong các khu ở của Hà Nội hiện nay và trong những năm tới. Do đó, TP Hà Nội cần sớm ban hành “Quy định xây dựng và quản lý không gian xanh trong các khu đô thị mới” nhằm tạo lập môi trường ở có chất luợng tốt cho cư dân TP. Bên cạnh đó, xây dựng và quản lý các không gian xanh cần được chính quyền đô thị, chủ đầu tư, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư quan tâm nhiều hơn nữa trong quá trình phát triển Thủ đô." - GS.TS Đỗ Hậu – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam