28 bị cáo, hàng trăm cá nhân liên quan dự tòa
Sáng 8/5, TAND TP Hồ Chí Minh đưa vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (tức Trustbank. Sau được Phạm Công Danh mua lại và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam tức VNCB. Đến năm 2014, VNCB rơi vào khủng hoảng, bị Nhà nước phải mua lại 0 đồng rồi đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBbank).
Bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Trustbank) và Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc Trustbank). |
Có 28 bị cáo phải ra trước tòa sơ thẩm lần này gồm Hứa Thị Phấn (SN 1947, nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT Trustbank) được xác định là chủ mưu vụ án; bị cáo Ngô Kim Huệ (SN 1980, nguyên Phó Tổng Giám đốc Trustbank, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ) và Bùi Thị Kim Loan (SN 1978, nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) được xác định có vai trò giúp sức tích cực cho Phấn, cả 3 cùng bị truy tố 2 tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với bị cáo Lâm Kim Dũng (SN 1955, nguyên Giám đốc Công ty TNhh Địa ốc Lam Giang), bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Còn 24 bị cáo còn lại bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần này, HĐXX do thẩm phán Phạm Lương Toản – Chánh tòa Hình sự TAND TP Hồ Chí Minh làm chủ tọa đã triệu tập 115 cá nhân, các đại diện của 16 ngân hàng, đại diện của 47 công ty và các trường học, cơ quan Nhà nước đến tòa với tư cách có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và làm chứng. Trong số này có bị án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), đại diện cho nhóm cổ đông của Tập đoàn Thiên Thanh). Đối với CBbank, trong vụ án này được xác định là nguyên đơn dân sự. Phiên tòa lần này cũng tương tự phiên tòa xét xử Trầm Bê là có hàng chục luật sư tham gia bào chữa cho 28 bị cáo, bảo vệ cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Lũng đoạn toàn bộ hoạt động ngân hàng
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, bị can Hứa Thị Phấn trước khi bị khởi tố vào ngày 22/3/2017 thì ngày 6/3/2017 đã nhập Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng (quận 7 – TP Hồ Chí Minh). Theo kết luận giám định Pháp y về sức khỏe ngày 27/5/2017, thì bị can Phấn có nhiều bệnh, tỷ lệ tổn thương tới 93%, không có khả năng đi lại. Vì lý do này, bị can Phấn sẽ không thể ra tòa và bị xét xử vắng mặt.
Còn theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, tiền thân của Trustbank là Ngân hàng Nông thôn CP Rạch Kiến (tỉnh Long An). Ngày 17/9/2007, ngân hành này đổi tên Trustbank, đại diện pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn (Chủ tịch HĐQT) và Trần Sơn Nam (Tổng Giám đốc, cả 2 vừa bị xét xử trong 1 vụ án khác và bị tuyên 7 năm và 6 năm tù giam). Đầu năm 2007, bị can Hứa Thị Phấn cùng Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan h ệ họ hàng với bị can Phấn, đứng tên giúp bị can Phấn (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) tham gia mua 254.751.970 cổ phần của Trustbank, tương đương 2.547.519.700.000 đồng (chiếm 84,92% vốn điều lệ Trustbank).
“Lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ, là cổ đông lớn của ngân hàng, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Trustbank; thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên Trustbank tại 2 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang; lũng đoạn mọihoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu – chi tiền mặt; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái Luật Kế toán, Luật các tổ chức tín dụng và điều lệ Trustbank, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Trustbank số tiền trên 6.362 tỷ đồng”, cáo trạng nhận xét.
Các hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng của bị can Phấn là nâng khống nhà và đất tại số 5 Phạm Ngọc Thạch (phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh), diện tích trên 621 m2. Bất động sản này, bà Phấn mua giá trên 371 tỷ đồng vào tháng 1/2008. Đến tháng 8/2011, sau đó giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Trustbank (TrustAsset) định giá n6ng khống lên tới 1.268 tỷ đồng (cao gấp 8 lần giá thực so với thị trường) để từ đó mua bán lòng vòng rồi bán lại cho chính Trustbank nhằm chiếm đoạt và gây thiệt hại cho Trustbank trên 1.105 tỷ đồng! Đối với hành vi chỉ đạo cấp dưới hạch toán thu - chi khống, bị can Phấn còn gây thêm thiệt hại cho Trustbank trên 5.256 tỷ đồng rồi… đẩy nợ cho Công ty CP Đầu tư Phương Trang (Công ty Phương Trang – PV).
Thu – chi khống để “đẩy” nợ hàng ngàn tỷ đồng (?!)
Theo số liệu của CBbank tính đến ngày 15/11/2017: từ ngày 26/5/2010 đến 12/2/2012, 2 chi nhánh của Trustbank giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 83 khoản vay (82 khoản vay và 1 khoản nhận nợ bắt buộc 35 tỷ đồng) và 1 khoản phát hành trái phiếu. Tổng số tiền giải ngân trên sổ sách là 16.486 tỷ đồng, đã tất toán 36 khoản vay và thanh toán 32 tỷ đồng dư nợ gốc của khoản vay 250 tỷ đồng của Nguyễn Đông Hòa. Còn Công ty Phương Trang giải trình trong số 16.486 tỷ đồng mà Trustbank giải ngân trên sổ sách, công ty này chỉ thực nhận 3.936,996 tỷ đồng. Số dư nợ gốc thể hiện trên sổ sách là 9.437 tỷ đồng.
Còn theo cáo trạng, bị can Phấn thông qua Bùi Thị Kim Loan chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập chứng từ thu – chi khống cho nhóm Phú Mỹ trên 5.256 tỷ đồng, rồi hạch toán khống trên hệ thống Smartbank (thu tất toán khống gốc – lãi các khoản vay của nhóm Phú Mỹ, các khoản vay của Công ty Phương Trang mà nhóm Phú Mỹ sử dụng; nộp tiền khống vào tài khoản của các công ty và cá nhân thuộc nhóm Phú Mỹ), sau đó lợi dụng Công ty Phương Trang ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ rút tiền mặt; chi khống tiền giải ngân và các khoản vay của Công ty Phương Trang (không chuyển tiền hoặc chuyển tiền không đủ cho Công ty Phương Trang), cấn trừ với các chứng từ thu khống 5.256 tỷ đồng nêu trên nhằm không phát sinh chênh lệch trên quỹ tồn tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán, đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang.
Cũng theo cáo trạng, ngoài những hành vi chiếm đoạt và gây thiệt hại những số tiền nêu trên. Trong vụ án này cơ quan điều tra vẫn chưa tính đến khoản tiền trên 5.643 tỷ đồng thiệt hại do 3 hành vi của bị can Phấn được tách ra điều tra tại giai đoạn 2 của vụ án, gồm: Thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, bị can Phấn chiếm đoạt và sử dụng trên 3.581 tỷ đồng; Chỉ đạo Trustbank đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng trên 1.037 tỷ đồng; Nâng khống 25 bất động sản khác bán cho Trustbank để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT điều tra Bộ Công an cũng đã ra quyết định truy nã bị can Hứa Xường (SN 1952, em ruột bị can Phấn). Do đến nay chưa bắt được nên tách ra để khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Còn đối với Hứa Thị Phấn, trước đó vào ngày 29/9/2017, đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt 17 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Do bị cáo Phấn kháng cáo, chờ xét xử phúc thẩm nên bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
Dự kiến phiên tòa kéo dài đến 31/5.
Kê biên hàng trăm bất động sản Để đảm bảo cho việc thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Ngày 20/1/2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kê biên 44 bất động sản mà Công ty Phương Trang dùng làm tài sản đảm bảo để vay tiền Trustbank. Số bất động sản này được giao cho CBbank và Công ty Phương Trang tiếp tục quản lý, bảo quản cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng kê biên 114 bất động sản là tài sản bảo đảm cho 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ (do bị can Phấn làm đại diện); phong tỏa chứng khoán của bị can Phấn gồm 620.775 cổ phần Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh; 1.039.371 cổ phần SSG vàtrên 3,1 tỷ đồng cổ tức. Ngoài ra, các bị can trong vụ án là con, cháu, người thân của hứa Thị Phấn cũng bị kê biên nhiều bất động sản, căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự, chứng khoán… |