Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử đại án tại Oceanbank: Hà Văn Thắm khai gì tại tòa?

Đạt Lê - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều ngày 28/2, nguyên Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm là người đầu tiên tòa xét hỏi. Thắm cho rằng Phạm Công danh lừa đảo chiếm đoạt tiền của Oceanbank…

Tại phiên tòa, Hà Văn Thắm cho biết, về nắm Oceanbank từ năm 2003. Lúc đó ngân hàng đang mang tên Ngân hàng TMCP nông thôn Hải Hưng với tổng số vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng. Lúc đó ngân hàng này yếu kém và có nguy cơ bị Ngân hàng Nhà nước giải tán. Bị cáo đã góp vốn để vực dậy ngân hàng và được phép chuyển đổi từ mô hình kinh doanh nông thôn sang đô thị. Năm 2014, Hà Văn Thắm ngồi ghế Chủ tịch Ngân hàng và chiếm giữ vốn điều lệ hơn 62%. Toàn bộ số cổ phần góp vào Ngân hàng đều là thật vì số vốn điều lệ này đã được NHNN phong tỏa. Thời điểm cuối cùng huy động vốn điều lệ ngân hàng có tổng số vốn là khoảng 4.000 tỷ đồng.
 Hà Văn Thắm khai tại phiên tòa chiều ngày 28/2.
Đối với mối quan hệ với bà Hứa Thị Phấn, bị cáo Hà Văn Thắm khai từ thời điểm trước năm 2009. Theo Thắm, bà Phấn không có chức danh tại Ngân hàng Đại Tín nhưng là chủ của ngân hàng này vì gia đình bà Phấn nắm giữ cổ phần tại ngân hàng này. Thắm có ký thỏa thuận với bà Phấn về việc tiếp quản Ngân hàng Đại Tín nhưng Thắm cho rằng chỉ là thỏa thuận mang tính dân sự...
Đứng trước tòa, Hà Văn Thắm nhận trách nhiệm về khoản vay 500 tỷ với Trung Dung khiến Oceanbank thiệt hại 343 tỷ và nói mình cho Trung Dung vay thực ra là cho Phạm Công Danh – nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng vay. Việc này giúp ông Danh mua lại ngân hàng Đại Tín (tiền thân Ngân hàng Xây Dựng) từ nhóm cổ đông do bà Hứa Thị Phấn cầm đầu.
Theo đó, năm 2012, Thắm mua lại Ngân hàng Đại Tín từ bà Phấn nhưng sau khi cho người của Oceanbank vào tiếp quản thì thấy đơn vị này có tỉ lệ nợ xấu cao nên không mua. Việc mua bán có thỏa thuận bằng văn bản nhưng theo Thắm không có giá trị vì: “Sau đó bị cáo phải vào kiểm tra mới trình lên Ngân hàng Nhà nước... Bị cáo đã chuyển tiền nhưng Phấn đã trả lại". – Thắm nói.
Sau đó, Phạm Công Danh mua lại Đại Tín từ bà Phấn. Theo Thắm, ông Phạm Công Danh là người quen của Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng Giám Oceanbank. Sơn từng giới thiệu cho Danh vay tiền ở Oceanbank và đã trả hết trước năm 2012 vì vậy được Thắm tin tưởng. Thắm cho Công ty Trung Dung (của Danh) vay 500 tỷ đồng trên cơ sở hạn mức tín dụng 600 tỷ của Oceanbank cho Cty này.
 Phạm Công Danh tại phiên tòa.
Trả lời HĐXX, Hà Văn Thắm cho biết đã tính toán tài sản của Trung Dung giá trị khoảng 250 tỷ và giá trị thương mại cũng khoảng 250 tỷ. Thắm duyệt cho Trung Dung vay dưới tác động của bà Hứa Thị Phấn. Thắm liền ký và 500 tỷ được chuyển về Ngân hàng Đại Tín trước khi tới túi Phạm Công Danh. Thắm khẳng định tiền chỉ chuyển cho Trung Dung với 2 điều kiện là Oceanbank phải đồng ý và khoản vay đó được đầu tư cho dự án Sân vận động Đà Nẵng mà Thắm thấy chắc chắn có lãi. Nhưng theo Thắm thì phía Ngân hàng Đại Tín đã chuyển tiền cho Phạm Công Danh đầu tư vào nơi khác. Thắm nói rằng, Phạm Công Danh đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của Oceanbank.
Khi tiến hành đối chất với lời khai của Hà Văn Thắm, HĐXX đã chất vấn Phạm Công Danh. Tuy nhiên, về khoản vay 500 tỷ, Phạm Công Danh đã bác ý kiến của Thắm và cho rằng trước khi Oceanbank cho Trung Dung vay, Danh đã chuyển cho Hà Văn Thắm vay 500 tỷ. Số tiền này có đầy đủ chứng từ. Vì vậy, tiền của Oceanbank thực ra là Thắm chuyển lại và hiện vẫn đang ở tài khoản của bà Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Xây Dựng. Phạm Công Danh cũng đề nghị tòa cho thu hồi khoản tiền này.