Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: Nghẹn ngào trước tòa, "bóng hồng" xin xem xét giảm tội

Đạt Lê - Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/11, bước sang ngày thứ 6 phiên xét xử sơ thẩm cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh cùng 91 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.

"Bóng hồng" bật khóc xin giảm tội
Đáng chú ý, bị cáo Lưu Thị Hồng, nguyên Tổng giám đốc CNC với gương mặt đẹp, cuốn hút...Trong khi trả lời HĐXX, "bóng hồng" quyền lực này đã nghẹn ngào bật khóc và cho rằng mình vô tình bị cuốn vào hành vi phạm tội.

 Bị cáo Lưu Thị Hồng tại phiên xét xử.
Tại bục thẩm vấn bị cáo Hồng cho biết, làm việc tại CNC từ cuối năm 2011 với vai trò làm Tổng Giám đốc. Hồng khai trước khi được Dương mời về làm việc tại CNC, hai người có quan hệ bạn bè. Còn với Phan Sào Nam thì từng làm đồng nghiệp với nhau gần 5 năm tại Tổng công ty VTC. 
Mặc dù là Tổng giám đốc Công ty CNC - nhưng bị cáo Hồng cho rằng - không hiểu về công nghệ thông tin, không hiểu về game bài Rikvip nên các nội dung ký trong hợp đồng, Hồng không nhớ. Hồng chỉ làm theo chỉ đạo của "ông trùm" Nguyễn Văn Dương.
HĐXX hỏi về việc là Tổng giám đốc Công ty CNC, đứng ra ký hợp đồng mà không rõ nội dung?. Bị cáo Hồng trả lời: "Tại thời điểm đó, bị cáo không phụ trách cổng thanh toán, trung tâm game. Những đầu việc này do anh Dương phụ trách và chỉ đạo bị cáo ký. Anh Dương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Hồng cho rằng, tại thời điểm ký phụ lục cuối cùng, Hồng nhận thấy có dấu hiệu “rửa tiền” nên không ký. Nữ bị cáo này khai, thời điểm đó, Nguyễn Văn Dương đang đi công tác nên có nói Dương ủy quyền cho bị cáo nhưng cuối cùng Dương không làm giấy ủy quyền.
Tiếp tục bị HĐXX hỏi: “Tại sao lời khai của bị cáo hôm nay lại mâu thuẫn với lời khai trước đó với cơ quan An ninh điều tra?”.
Lưu Thị Hồng cho rằng: “Dù biết Rikvip là game bài không phép, cũng nhận thấy có dấu hiệu “rửa tiền” nhưng nhân viên của bị cáo bảo đây là game bài thử nghiệm, với lại có sự chỉ đạo của anh Dương nên bị cáo ký. Mãi đến khi làm việc với cơ quan An ninh điều tra, bị cáo mới biết.
Đứng trước HĐXX bị cáo Hồng nghẹn ngào: "Bị cáo biết hành vi của mình là trái pháp luật, bị cáo rất hối hận, mong HĐXX xem xem giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.
"Đút túi" hàng chục tỷ đồng từ game Rikvip
Tại phiên tòa, sáng ngày 17/11, bị cáo Phạm Tuấn Anh (SN 1982, quê Vĩnh Phúc) là Trưởng phòng kỹ thuật vận hành, Trung tâm thanh toán Công ty CNC khai, được Công ty CNC giao cho việc kết nối với cổng thanh toán “NetViet”của Công ty GTS do Lê Thị Lan Thanh (SN 1981, ở Hà Nội) điều hành, nhưng không ký hợp đồng.
Từ năm 2016 đến tháng 8/2017 Công ty GTS đã ký các hợp đồng thanh toán qua thẻ cào với 3 nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone. Tổng số tiền các nhà mạng thu được từ các khách hàng sử dụng các dịch vụ liên quan đến cổng thanh toán Công ty GTS của Thanh là hơn 7.128 tỷ đồng, trong đó 3 nhà mạng được phân chia lợi nhuận hơn 1.049 tỷ đồng, nhà mạng trả cho Công ty GTS hơn 6.079 tỷ đồng.
Sau khi Công ty GTS và các nhà mạng đối soát, thanh toán, từ ngày 1/9/2016 đến tháng 9/2017 Công ty GTS đã chuyển cho Công ty CNC số tiền hơn 4.583 tỷ đồng.

 Bị cáo Phạm Tuấn Anh tại phiên tòa.
Đứng tại bục của bị cáo, Tuấn Anh khai nhận: “Quá trình Công ty GTS thực hiện các hợp đồng theo yêu cầu của Công ty CNC, bị cáo thường xuyên liên lạc với Công ty GTS để thực hiện các chỉ đạo của Nguyễn Quốc Tuấn. Tuấn bảo gì thì bị cáo làm như thế vì bị cáo biết, Tuấn đã thực hiện trước đó các thoả thuận với Thanh”.
HĐXX hỏi bị cáo được hưởng lợi bao nhiêu từ Công ty CNC?”. Tuấn Anh cho biết đã được hưởng hơn 18 tỷ đồng.
Luật sư hỏi “Bị cáo có biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật không?”. Tuấn Anh trả lời “Lúc đầu bị cáo không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Nhưng càng ngày bị cáo càng nhận thấy có những điều bất thường trong các giao dịch giữa Công ty CNC với các cổng trung gian thanh toán của công ty khác. Nhưng do bị cáo suy nghĩ rằng, CNC là công ty làm nghiệp vụ nên bị cáo không nghĩ nữa mà cứ làm thôi”.
Bị truy vấn tiếp “Nghĩa là sau này bị cáo biết, Công ty CNC đang thực hiện những điều pháp luật cấm?”. Bị cáo Tuấn Anh trả lời: “Nếu biết thì bị cáo không phải xuất hiện ở phiên toà này”.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Thịnh (SN 1983, quê Nam Định) là nhân viên Trung tâm thanh toán Công ty CNC được thẩm vấn tiếp theo. Thịnh khai, công việc của bị cáo ở công ty là mở tài khoản để nhận tiền từ các nguồn chuyển về, sau đó bị cáo chuyển nguồn tiền ấy tới các địa chỉ khác. Tại công ty, bị cáo được Nguyễn Quốc Tuấn trực tiếp chỉ đạo và giao việc. Làm việc này khoảng 4-5 tháng, bị cáo thấy nguồn tiền chuyển về và chuyển đi quá nhiều nên bị cáo xin không làm việc chuyển tiền nữa. Trong thời gian nhận và chuyển tiền, bị cáo nhớ đã thực hiện giao dịch khoảng 200 tỷ đồng.
Khi HĐXX hỏi về nguồn tiền ở đâu và nhiều như thế?”. Bị cáo Thịnh trả lời: “Bị cáo hỏi thì được Tuấn nói, nguồn tiền này từ các công ty hợp tác làm ăn với Công ty CNC chuyển về”.
Về số tiền được hưởng lợi bao nhiêu từ việc làm của mình, bị cáo Thịnh khai nhận đã được lời khoảng 19 tỷ đồng...

 Ngày  16/11, TAND tỉnh Phú Thọ tập trung thẩm vấn nhóm bị cáo có hành vi mua bán hóa đơn trái phép và giúp sức tổ chức đánh bạc xảy ra ở các công ty thanh toán trung gian. Ngay khi kết thúc phần xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn (Công ty CNC) về tội tổ chức đánh bạc, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, chủ tọa phiên tòa, thông báo nhận được đơn của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục C50, về việc không đề nghị triệu tập đại diện Cục C50. Đề nghị này của ông Hóa khiến nhiều người theo dõi phiên tòa khá bất ngờ. Bởi trước đó, trong ngày xét xử đầu tiên (12/11), luật sư Đỗ Ngọc Quang, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, đã đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Cục C50 để làm rõ về hai văn bản được cho là liên quan đến việc điều tra hành vi phạm tội tại Công ty CNC. Theo luật sư Quang, hai văn bản này sẽ là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cần được đưa vào hồ sơ.