Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý vi phạm trên hệ thống thủy lợi sông Đáy: Địa phương phải vào cuộc

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy (Công ty sông Đáy) được UBND TP Hà Nội giao quản lý 524 tuyến kênh, mương. Tuy nhiên, trên hệ thống thủy lợi mà DN này quản lý, hiện đang tồn đọng gần 3.000 vi phạm chưa được xử lý.

Hệ thống thủy lợi sông Đáy đang tồn đọng nhiều vi phạm chưa được xử lý.
Doanh nghiệp chỉ có chức năng lập biên bản
Theo thống kê của Công ty sông Đáy, tổng số vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn DN này quản lý là 2.903 trường hợp. Trong đó, số vi phạm công trình là 2.479 trường hợp, còn lại 424 trường hợp là các vi phạm xả thải trái phép vào hệ thống thủy lợi. So với giai đoạn 2011 - 2015, số lượng vi phạm phát sinh trong 5 năm qua (2016 - 2020) trên hệ thống thủy lợi sông Đáy có giảm. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm DN này vẫn ghi nhận có tới 40 - 50 vụ vi phạm. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2021, công ty đã ghi nhận thêm 11 trường hợp vi phạm mới phát sinh.

Phó Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty sông Đáy) Nguyễn Thanh Hiến cho biết, việc xử lý các vi phạm công trình thủy lợi hiện gặp rất nhiều khó khăn. “Trách nhiệm xử lý chủ yếu thuộc về địa phương. DN chỉ có chức năng phát hiện, phối hợp cùng chính quyền cơ sở trong việc lập biên bản vi phạm” - ông Hiến nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi vì sao là đơn vị được giao quản lý nhưng vẫn để số lượng vi phạm phát sinh mới tăng rất nhiều, ông Nguyễn Thanh Hiến cho biết, nhiều năm qua đơn vị đã chỉ đạo 8 xí nghiệp thủy lợi trực thuộc cắt cử cán bộ, nhân viên quản lý 524 tuyến kênh mương được UBND TP Hà Nội giao. Lực lượng chức năng thường xuyên đi kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm vi phạm. “Cán bộ, nhân viên thuộc các xí nghiệp được giao chuyên trách nhiệm vụ giám sát vi phạm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người dân xây dựng công trình vào buổi tối, khi không có lực lượng chức năng. Đến khi phát hiện thì đã trở thành vi phạm mới rồi...” - ông Hiến biện giải.

Cần có “Ban chỉ huy xử lý vi phạm”

Thực tế hiện nay, việc xử lý vi phạm công trình thủy lợi vẫn đang được Công ty sông Đáy thực hiện căn cứ theo Hướng dẫn số 144/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội. Theo hướng dẫn, trách nhiệm xử lý sau khi lập biên bản thuộc về chính quyền địa phương. Tổng Giám đốc Công ty sông Đáy Trần Đình Cường cho rằng, để xử lý triệt để các vi phạm công trình thủy lợi, sự vào cuộc của các cấp chính quyền đóng vai trò quyết định. Chính vì vậy, UBND các quận, huyện, thị xã cần quan tâm, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng Nghị định số 104/NĐ-CP và Nghị định số 65/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cần có ý kiến với UBND các quận, huyện, thị xã nhằm sớm phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn TP. Đồng thời, sớm hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nhằm tạo thuận lợi trong việc xác định vi phạm mới phát sinh.

Đại diện DN cũng kiến nghị thời gian tới, UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thành lập Ban chỉ huy xử lý vi phạm công trình thủy lợi, với sự tham gia của lực lượng công an các cấp. Đây có thể xem là giải pháp hữu hiệu cho bài toán xử lý vi phạm hệ thống công trình thủy lợi tồn tại nhiều năm qua.