Vì vậy đại diện Viện KSND Cấp cao đề nghị HĐXX phúc thẩm y án sơ thẩm đối với 5 bị cáo, dù vị này cũng đã phân tích ngắn gọn, súc tích những đóng góp của bị cáo.
Đề nghị y án vì hậu quả nghiêm trọng
Ngày 6/12, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” dẫn đến thiệt hại trên 16.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBBank) đối với 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cán bộ các ngân hàng.
Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND Cấp cao phân tích rất ngắn gọn những đóng góp của các bị cáo trong quá trình tái cơ cấu (TCC) các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên do tính chất, mức độ, hành vi của các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát gần 16.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân, uy tín của Nhà nước. do vậy đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX tòa phúc thẩm tuyên y án đối với các bị cáo. Còn các vấn đề khác, HĐXX xem xét.
Theo đó, các bị cáo bị đề nghị y án sơ thẩm: Đặng Thanh Bình (SN 1954, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), 3 năm tù; Hà Tấn Phước (SN 1963, nguyên Phó Giám đốc NHNN tỉnh Long An, nguyên tổ trưởng tổ giám sát) 2 năm tù; Lê Văn Thanh (SN 1964, nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) 2 năm 6 tháng tù; Phạm Thế Tuân (SN 1956, nguyên tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó Giám đốc VietcomBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh) 1 năm tù; Ngô Văn Thanh (SN 1977, nguyên Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ VietcomBank, thành viên tổ giám sát) 1 năm 6 tháng tù.
Luật sư xin miễn trách nhiệm hình sự
Còn tất cả các luật sư đều kiến nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ mức án hoặc cho các bị cáo hưởng án treo. Luật sư Nguyễn Xuân Bính và Nguyễn Hồng Bách (bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình) lập luận TCC là công tác quan trọng, một mình ông Bình không thể quyết định mà phải thông qua Ban lãnh đạo NHNN, Ban cán sự Đảng NHNN. Cá nhân ông Bình không thể cho phép nhóm Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh (đã bị xử 30 năm tù trong các đại án trước đó - PV) tham gia TCC mà phải họp, thảo luận với tập thể lãnh đạo NHNN. “Sau khi tờ trình của Cơ quan Thanh tra giám sát (TTGS) NHNN được thông qua, Ban lãnh đạo NHNN ra thông báo, kết luận đồng ý cho nhóm Phạm Công Danh tham gia TCC, mua 84% cổ phần từ nhóm Hứa Thị Phấn (đã bị xử 30 năm tù trong đại án khác – PV), lúc đó ông Bình mới có bút phê TCC Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank), có nghĩa phải dựa trên chỉ đạo của tập thể Ban lãnh đạo NHNN. Vì vậy nhận định của bản án sơ thẩm đã không dựa trên những tài liệu, văn bản của NHNN” luật sư Bách, tranh luận.
Còn luật sư Bính nói: “Nếu đại diện Viện KSND Cấp cao cho rằng ông Bình không thể hưởng án treo vì bút phê, cần phải xem bút phê trên văn bản đó có đúng hay đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? Nếu đúng chỉ đạo có nghĩa Viện KSND sai và ngược lại. Viện KSND cấp sơ thẩm cho rằng vì bút phê đó dẫn đến cho TCC TrustBank thành VNCB để quy kết là không đúng. Thực chất việc TCC là xem xét mua – bán cổ phần. Khi nhóm Phạm Công Danh mua cổ phần nhóm Hứa Thị Phấn, Cơ quan TTGS đã kiểm tra nguồn tiền. Trong quãng thời gian TCC TrustBank, tổ giám sát có nhiều báo cáo sai phạm của Phạm Công Danh, có chuyển Cơ quan TTGS thanh tra với đề nghị chuyển lên Thống đốc NHNN, và chính ông Bình cũng đề nghị kiểm tra ngân hàng. Nhưng đến thời điểm này không có bất cứ cá nhân nào của Cơ quan TTGS bị xử lý. Chưa kể tại Nghị quyết 36 năm 2017 có nội dung không xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người tham gia công tác TCC”.
Từ những lập luận trên, các luật sư kiến nghị HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Bình cùng các bị cáo. Nếu không thể miễn trách nhiệm hình sự cũng nên cho các bị cáo hưởng án treo.
Nguyên phó Thống đốc xin hưởng án treo
Tại tòa, đại diện NHNN khi được HĐXX cho phát biểu quan điểm, đã cho rằng: “Trong quá trình TCC (giai đoạn 2011- 2015), quan điểm của Chính phủ là bảo đảm an ninh tiền tệ, an ninh xã hội. Trường hợp TrustBank là cấp thiết trong khi ngân hàng này không có phương án khả thi, lúc đó nhà đầu tư mới chỉ có nhóm Phạm Công Danh. Trong quá trình TCC, ông Bình nỗ lực nghiên cứu vận dụng pháp lý, tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng chỉ đạo Chính phủ, chỉ đạo của NHNN. Các thành viên tổ giám sát gặp nhiều khó khăn, cùng một lúc xử lý nhiều ngân hàng yếu kém, thiếu kinh nghiệm trong phương án TCC. Đối với bút phê của ông Bình trên văn bản cho TCC thực hiện theo đề xuất của Cơ quan TTGS NHNN. Vì vậy mong HĐXX cân nhắc xem xét theo Nghị quyết 36 năm 2017 để từ đó miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Bình và những bị cáo còn lại”.
Về phía CBBank cũng được HĐXX yêu cầu cung cấp hồ sơ để chứng minh đã thu hồi được gần 5.000 tỷ đồng? Đại diện CBBank cho rằng quá trình thi hành án kéo dài, do đó các hồ sơ rất nhiều, bộ phận văn phòng chưa thống kê kịp. Đến nay đã thu hồi gần 5.000 tỷ đồng từ 124 sổ tiết kiệm của nhóm Phạm Công Danh.
Được nói lời cuối cùng, tất cả 5 bị cáo đều xin HĐXX cân nhắc một cách đầy đủ để ra bản án mang tính nhân văn. Bị cáo Phạm Thế Tuân, nói: “Cuộc đời người làm cách mạng có thể thành công rất nhiều, nhưng cũng có thể có sai sót nhất định. Quá trình điều tra bị cáo rất hợp tác với cơ quan tố tụng, hơn 40 năm hoạt động trong ngành ngân hàng, cuối đời được tín nhiệm, bổ nhiệm tham gia TCC 3 ngân hàng, trong đó có 2 ngân hàng TCC thành công. Mong HĐXX cân nhắc một cách đầy đủ, nhân văn để ra bản án khoan hồng để bị cáo không bị cách ly khỏi đời sống xã hội”.
Còn bị cáo Đặng Thanh Bình, nói: “Cảm ơn các luật sư đã tìm những chứng cứ là các văn bản để trình bày trước tòa. Tôi mong HĐXX xem xét các quy định của pháp luật, các ý kiến của luật sư, của NHNN, các tình tiết giảm nhẹ. Nếu không được miễn trách nhiệm hình sự, xin cho tôi hưởng án treo”.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, chủ tọa cho rằng cần phải nghị án. Vì vậy sẽ tuyên án vào lúc 9h sáng ngày thức hai (10/12).