Ý chí kiên cường của cô gái khiếm thị viết sách

Ngọc Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không may mắc căn bệnh u não đã khiến Lê Dương Thể Hạnh không thể nhìn, nghe thấy được trọn vẹn mọi thứ, nhưng biến cố đã giúp cô gái mạnh mẽ và tha thiết yêu cuộc sống này hơn bao giờ hết.

Không may mắc căn bệnh u não đã khiến Lê Dương Thể Hạnh không thể nhìn, nghe thấy được trọn vẹn mọi thứ, nhưng biến cố đã giúp cô gái mạnh mẽ và tha thiết yêu cuộc sống này hơn bao giờ hết.

Cô gái khuyết tật Lê Dương Thể Hạnh là khách mời trong chương trình "Trạm yêu thương". Ảnh: VTV
Cô gái khuyết tật Lê Dương Thể Hạnh là khách mời trong chương trình "Trạm yêu thương". Ảnh: VTV

Tự tin giới thiệu về bản thân trong chương trình “Trạm yêu thương”, Lê Dương Thể Hạnh gửi lời chào đến khán giả bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật và cô cũng phần nào bật mí được khả năng, sự hài hước khi giải thích về danh xưng “Mỹ nhân gạo lứt” của mình.

“Năm 2003, tôi tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, khoa Đông Phương, chuyên ngành Nhật Bản. Ra trường, tôi được nhận vào làm thông dịch viên trong một công ty của Nhật về ngành sản xuất gỗ.

Năm 2007, bão giông đã ập đến khi bác sĩ thông báo tôi mắc u não. Và từ đó, cuộc đời rẽ sang một lối đi khác, đầy bất ngờ và tôi hoàn toàn bị động” – Thể Hạnh nhớ lại.

Cô gái Lê Dương Thể Hạnh kể về những nỗ lực vượt qua bệnh tật của mình. Ảnh: VTV
Cô gái Lê Dương Thể Hạnh kể về những nỗ lực vượt qua bệnh tật của mình. Ảnh: VTV

Liên tục trải qua 3 lần phẫu thuật, 27 lần xạ trị với biết bao đớn đau cùng những cơn đau kéo dài, lần phẫu thuật thứ ba, Thể Hạnh giữ được mạng sống nhưng vĩnh viễn mất đi đôi mắt. Cô cũng mất cảm nhận nóng - lạnh, no – đói, do có thể ngồi ăn liên tục nên cơ thể ngày càng trở nên mập mạp.

Với một thông dịch viên, giọng nói là thứ quan trọng không thể thiếu, nhưng giờ đây việc phát âm đối với Thể Hạnh cũng gặp nhiều khó khăn khi cơ miệng lệch hẳn sang phía bên phải.

Từ một người nhanh nhẹn hoạt bát, một cô gái trẻ khỏe, năng động, tự do đi lại và làm những điều mình muốn, giờ đây mọi sinh hoạt cơ bản Thể Hạnh đều phải dựa vào người thân. Mối tình thơ mộng gần một thập kỷ cũng dang dở.

Dù hài hước gọi căn bệnh mình mắc phải là “anh u não ngỏ lời yêu”, nhưng giọng cô gái chùng xuống khi nói về những ngày sống trong bóng tối.

Khi biến cố ập đến là lúc Hạnh nhận ra tình yêu thương mãnh liệt của mọi người. Cảm nhận được sự chăm sóc yêu thương, hy vọng của người thân, Thể Hạnh đã mạnh mẽ đối diện với sự thật và nhìn nhận nỗi đau mà mình đang trải qua.

Vui hơn cả là sau một thời gian dài luyện tập, Thể Hạnh đã có thể nói chuyện điện thoại và gửi mail và đặc biệt là viết sách.

Bằng phần mềm hỗ trợ tiếng nói dành cho người khiếm thị, bằng một cơ thể thiếu đủ thứ với tai trái điếc, hai mắt không nhìn thấy, không đi lại được, phải di chuyển bằng xe lăn, phát âm không tròn chữ… Lê Dương Thể Hạnh vẫn viết nên những câu chuyện mà ở đó có niềm vui sống và truyền đi những thông điệp lạc quan.

Món quà của chương trình “Trạm yêu thương” sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Lê Dương Thể Hạnh tiếp tục thực hiện những ước mơ. Ảnh: VTV
Món quà của chương trình “Trạm yêu thương” sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Lê Dương Thể Hạnh tiếp tục thực hiện những ước mơ. Ảnh: VTV

Năm 2015, cuốn tiểu thuyết “Có một mặt trời không bao giờ tắt” của Thể Hạnh đến với bạn đọc, kể về hành trình của chính cô - một con người sống trong ánh sáng suốt 27 năm cuộc đời đã vĩnh viễn không còn bao giờ nhìn thấy mặt trời sau một biến cố mang tên u não.

Năm 2023, cuốn sách “Hạnh phúc trong tầm tay” ra mắt bạn đọc nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, Lê Dương Thể Hạnh không chỉ viết để bộc lộ tâm hồn mình mà còn lan tỏa những năng lượng của yêu thương. Với 6 cuốn sách được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, Lê Dương Thể Hạnh trở thành tác giả được bạn đọc yêu mến.

Câu chuyện về cô gái nghị lực Lê Dương Thể Hạnh sẽ được chia sẻ trong chương trình “Trạm yêu thương” với chủ đề “Mặt trời chưa bao giờ tắt” phát sóng vào 10h ngày 30/3 trên kênh VTV1.