Nhìn từ Hà Nội
Đến tháng 9/2022, gần nửa năm sau khi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, bức tranh kinh tế Thủ đô Hà Nội đã hiện rõ những gam sáng nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm phục hồi kinh tế với GRDP đã tăng 9,69% so với cùng kỳ...
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 4,1%). Về thu hút đầu tư nước ngoài, tháng 9/2022, TP.Hà Nội thu hút được 169,4 triệu USD. Các hoạt động thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu, du lịch, văn hóa, thể thao được đẩy mạnh đã góp phần tăng trưởng ngành dịch vụ.
Theo ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK) chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, nhờ những giải pháp đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Hà Nội đã khống chế hiệu quả dịch bệnh Covid- 19, duy trì tốc độ tăng trưởng và phục hồi các ngành kinh tế, nhất là thương mại, du lịch và dịch vụ khách sạn; phục hồi chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm 2022.
Những thành tựu của Thủ đô Hà Nội – với vai trò là trung tâm đầu não về chính trị, văn hoá và khoa học kĩ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước đã tạo nền tảng cũng như phản ánh rõ những nỗ lực của chính quyền Việt Nam trong ứng phó, vượt qua cũng như phục hồi sau 2 năm đại dịch Covid-19 quét qua các nền kinh tế thế giới.
Một báo cáo của ADB cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Tăng trưởng đạt mức 7,7% trong quý II và đạt mức tăng bình quân 6,4% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020, nhưng vẫn thấp hơn mức 6,8% trong năm 2019 trước đại dịch.
Đến bức tranh lớn hơn
Câu chuyện vượt qua đai dịch thành công của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có được là cũng nhờ một trong những yếu tố là sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là cộng đồng ASEAN.
Sức mạnh của khối càng được thể hiện trong thời kỳ đại dịch với những nỗ lực rõ ràng và kịp thời. Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện trong khu vực, các nước ASEAN đã tăng cường nỗ lực trong việc liên lạc và thường xuyên chia sẻ thông tin trong khối trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, cải thiện năng lực y tế công cộng, quản lý thảm hoạ y tế; xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động để đảm bảo an sinh xã hội và sớm hồi phục kinh tế - sản xuất an toàn thông qua nền tảng Trung tâm ảo Biodiaspora của ASEAN (ABVC).
Nội dung ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi cũng luôn là vấn đề ưu tiên được các nước quan tâm thảo luận và đưa ra nhiều sáng kiến tại các hội nghị cấp cao trong khu vực trong thời gian qua.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (Hội nghị Summit 37) được tổ chức vào tháng 11/2020, ASEAN đã có nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố, trong đó có quyết định thành lập Kho Dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp và lập quỹ hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19 trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực hiện có và sự hỗ trợ của các đối tác.
Kỹ thuật số - “chìa khóa mới” cho ASEAN nhìn ra từ đại dịch
Không phải mọi câu chuyện liên quan tới Covid-19 đều mang màu sắc ảm đảm. Mặt khác, đại dịch đã âm thầm thúc đẩy một tiến trình khác đối với các quốc gia trong khu vực - đó là "số hóa".
Theo con số thống kê, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số ASEAN đã tăng gần 20% lên hơn 316 triệu người. Kinh tế kỹ thuật số dự kiến đóng góp 363 tỷ USD vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN vào năm 2025.
Để nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, ASEAN cần phải duy trì cam kết lâu dài của về thương mại mở và tự do để luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, ý tưởng sáng tạo và tài năng. ASEAN cũng cần đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa và các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) hiện có, đặc biệt đẩy nhanh việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trong đó, các công ty khởi nghiệp (start-up) kỹ thuật số được coi là "chìa khóa” phục hồi kinh tế, cũng “chất xúc tác” cho tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á. Bằng cách thu hút tài trợ và trực tiếp tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo của địa phương, đặc biệt tạo ra công ăn việc làm, các start-up kỹ thuật số là “một phần thiết yếu” trong tầm nhìn của ASEAN nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế khu vực. Điều này dự kiến sẽ giúp ASEAN đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay và 5,3% trong năm tới, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới.