Phát biểu với báo giới tại TP Sydney hôm 15/12, Thủ tướng Morrison khẳng định việc di dời đại sứ quán Australia từ Tel Aviv tới Tây Jerusalem sẽ chỉ được tiến hành cho đến khi tình trạng của khu vực này được hoàn tất theo một thỏa thuận hòa bình. "Chúng tôi hướng tới chuyển Đại sứ quán đến Tây Jerusalem khi thích hợp... và sau khi quy chế cuối cùng được xác định", ông Morrison cho biết.
Ngoài việc công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel, Australia cũng cam kết sẽ công nhận tình trạng trong tương lai của Palestine với thủ đô của họ ở Đông Jerusalem, sau khi một thỏa thuận hai nhà nước có thể đạt được giữa Israel và Palestine.
Mặc dù trì hoãn việc di dời trụ sở Đại sứ quán, song Thủ tướng Morrison cho biết Australia vẫn sẽ thành lập văn phòng thương mại và phòng vệ tại Jerusalem.
Hồi tháng 10 vừa qua, ông Morrison đã để ngỏ khả năng chuyển trụ sở Đại sứ quán Australia tại Tel Aviv, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định tương tự hồi tháng 5, và ngay lập tức vấp phải những quan điểm chỉ trích gay gắt từ Indonesia và các quốc gia Hồi giáo lớn trên thế giới.
Quyết định của ông Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Palestine và cả thế giới Ả Rập, thậm chí cả các nước đồng minh phương Tây của Mỹ.
Các nước Ả Rập lo ngại việc di dời đại sứ quán có thể kích động biểu tình, bất ổn và có thể gây bạo lực tại khu vực Gaza và Bờ Tây.
Jerusalem là TP linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Israel đã chiếm đóng Đông Jerusalem và khu Bờ Tây trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ của mình trong một động thái không được quốc tế công nhận, đồng thời coi toàn bộ TP Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia tách" của Israel. Trong khi đó, người Palestine xác định khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.