Làm ngơ trước biểu hiện lạ
N.T.Y.N là học sinh lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An). Một cô học sinh trường chuyên, học giỏi, ngoan hiền, là niềm tự hào của gia đình, nhà trường đã tìm đến cái chết đầy ẩn ức, nghi do bạo lực học đường kéo dài khi vừa tròn 17 tuổi.
Qua lời kể chưa đồng nhất giữa gia đình nạn nhân và nhà trường, câu chuyện đau lòng này thực sự được phát hiện khi Y.N có những dấu hiệu lạ. Mẹ Y.N kể rằng, con gái từng nói với mình rằng không muốn đi học nữa. Khi mẹ hỏi vì sao, Y.N chỉ kể bị các bạn khiêu khích sau lưng. Điều lạ nữa là, cô giáo chủ nhiệm có lần còn xếp em ngồi gần nhóm bạn đang xảy ra mâu thuẫn với em. Y.N căng thẳng, không thể tập trung học nổi.
Mẹ N.Y cũng kể, gần đây, biết con gái bị chặn đường đánh, chị đã đến tận trường đón con. “Năn nỉ mẹ, con ở trên lớp. Mẹ đến thì con mới phi xuống”, mẹ Y.N tiết lộ tin nhắn và cho biết, sau vụ việc này, chị đã đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm.
Cũng theo mẹ Y.N, trước đó, chị 2 lần đến trường gặp thầy hiệu trưởng để phản ánh con gái bị bạo lực học đường, bị cô lập, đồng thời xin chuyển lớp cho con gái nhưng có một lần chị gặp được hiệu trưởng song bị từ chối việc chuyển lớp; lần khác, không gặp được hiệu trưởng, chị đã phản ánh tới giáo viên dạy giáo dục quốc phòng.
Bày tỏ về tình tiết này, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, người mẹ rất yêu thương và quan tâm đến con, tuy vậy cách xử lý tình huống lại lúng túng, không quyết liệt.
Đầu tiên, người mẹ biết con bị đe dọa và đến gặp cô giáo, nhà trường, thậm chí đến đón con về nhưng chị lại không can thiệp để giải quyết tận gốc vấn đề. Thứ nữa, chị cũng quá độc lập, không có sự phối hợp với thầy cô, nhà trường, bạn bè của con.
Giả sử, khi không gặp được thầy cô, chị có thể gặp nhiều học sinh trong lớp để tìm hiểu căn nguyên. Nếu vấn đề nghiêm trọng, chị có thể xin cho con xin chuyển trường, thậm chí tạm thời nghỉ học đến lúc ổn định. Do không đánh giá được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chị đã không đảm bảo được sự an toàn cho con gái.
Về giáo viên chủ nhiệm, biết rõ học sinh của mình gặp vấn đề với bạn bè, nghỉ học nhiều, sợ đi học và đã có lần hỏi mẫu đơn xin chuyển lớp nhưng cô cũng chủ quan khi chỉ hỏi và can thiệp qua loa, không dành thời gian quan tâm giải quyết, thấu hiểu nỗi u uẩn, lo sợ của cô học trò.
Còn thầy hiệu trưởng, khi Y.N đến gặp xin chuyển lớp và không nói lý do, thầy nêu rằng trường đang triển khai chương trình mới, rằng mỗi lớp một tổ hợp môn khác nhau và từ chối nguyện vọng của Y.N. Thầy không kết nối với học sinh, với giáo viên chủ nhiệm để trao đổi và cũng không quan tâm đến lý do Y.N chuyển lớp là gì. “Thái độ thờ ơ, không sát sao của thầy cô và nhà trường là nỗi đau xót nhất trong vụ việc" - TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Không ai thay được nhà trường và gia đình
Trong vụ việc này, đã là quá muộn để nói hai từ “giá như” tuy nhiên, để hạn chế những trường hợp tương tự, việc nhìn nhận để thay đổi thái độ, hành vi, nhận thức bên trong mỗi con người có vai trò quan trọng.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, để phòng tránh bạo lực học đường, công tác giáo dục tư tưởng, tình cảm của học sinh (tư vấn tâm lý học đường) cần được đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa. Các nhà trường cần đưa ra các giải pháp phù hợp với biến động tâm lý rất nhanh của học sinh lứa tuổi cấp 2, cấp 3.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) và có hơn 30 năm gắn bó trực tiếp với công tác quản lý cũng như trực tiếp tham gia giảng dạy học sinh phổ thông, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định, công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng của các nhà trường hiện nay phần lớn vẫn nặng tính phong trào, phổ biến kiến thức đến tất cả và đồng đều học sinh chứ không hướng đến từng học sinh, vì vậy chưa mang lại hiệu quả thực chất. Giáo dục phải tạo ra học sinh có động lực sống, giá trị sống, sống có văn hóa, động viên học sinh giác ngộ, hướng tới chân- thiện- mỹ.
Qua các hoạt động giáo dục, học sinh biết yêu thương, tôn trọng mọi người, tôn trọng bản thân, có lòng bao dung, vị tha, có kỹ năng sống tốt, biết hóa giải, đối đầu, thương lượng và giải quyết vấn đề… Để không xảy ra bạo lực học đường, các cơ sở đào tạo phải có kế hoạch giáo dục học sinh đến nơi đến chốn.
Công tác quản lý của nhà trường cũng là vấn đề cần bàn luận, đặc biệt là vai trò quan trọng của giáo viên chủ nhiệm. Các thầy cô phải sát sao học sinh, biết nhận diện những khác thường của các em. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình, các đoàn thể trong trường học và các học sinh trong lớp của mình.
Tuy nhiên, ở vụ việc này cũng phải nhắc đến vai trò của nạn nhân Y.N. Có thể, em là người kín tiếng, ít chia sẻ, tuy vậy kỹ năng sống của em còn khá mỏng. Sự ra đi đột ngột của Y.N không chỉ là thiệt thòi cho em, cho gia đình mà còn là thiệt thòi cho bạn bè, thầy cô và nhà trường.
Theo bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức - nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân Y 103, tự sát thường là do một quá trình bệnh lý lâu ngày và do nhiều nguyên nhân gây ra.
Với trường hợp của nữ sinh Y.N, có thể nghĩ tới 3 nguyên nhân: Nạn nhân bị rối loạn stress sau sang chấn (chấn thương tâm lý liên tục vì bị bạo hành); rối loạn trầm cảm có hoang tưởng đi kèm, có thể có yếu tố stress và có thể bị một bệnh lý nội sinh (do cơ thể sinh ra), bạo hành chỉ là cái cớ. Tuy nhiên, do N.Y đã mất nên rất khó đánh giá chính xác nguyên nhân của hành vi đó.
Được biết, Trường THPT chuyên Đại học Vinh đã quyết định đình chỉ công tác chủ nhiệm đối với giáo viên chủ nhiệm của lớp Y.N từ ngày 18/4/2023. Về những thông tin em Y.N. bị cô lập, tẩy chay, bắt bỏ tiết, bị bạo lực học đường… phía nhà trường đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và các bên liên quan tiếp tục xác minh, làm rõ.