Bến Tre tìm giải pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại vườn dừa

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, bệnh sâu đầu đen tại tỉnh Bến Tre bùng phát trở lại làm nhiều vườn dừa không cho thu hoạch một trái nào. Ngành nông nghiệp cùng nông dân đang khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen để bảo vệ vườn dừa.

Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, với diện tích gần 80.000 ha. Dừa là cây trồng quan trọng nhất của Bến Tre, là thu nhập chính của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, nhiều vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công, không cho thu hoạch một trái nào.

Ông Tạ Văn Lợi phải đi làm thuê khi vườn dừa tan hoang do sâu hại. Ảnh: NC
Ông Tạ Văn Lợi phải đi làm thuê khi vườn dừa tan hoang do sâu hại. Ảnh: NC

Thông tin từ Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, sâu đầu đen đã tấn công hơn 630 ha dừa của tỉnh. Bằng các biện pháp phun thuốc và thả ong thiên địch, Bến Tre đã cứu được gần 240 ha dừa, tuy nhiên có gần 94 ha dừa đã phải đốn bỏ.

Trong đó, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam là một trong những địa phương bị sâu đầu đen gây thiệt hại nặng của tỉnh Bến Tre. Nhiều gia đình tại đây rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi mất đi thu nhập từ vườn dừa và phải đi làm thuê làm mướn để mưu sinh.

An Thạnh đang là xã bị sâu đầu đen gây thiệt hại nặng bậc nhất tỉnh Bến Tre từ đầu năm đến nay. Ảnh NC
An Thạnh đang là xã bị sâu đầu đen gây thiệt hại nặng bậc nhất tỉnh Bến Tre từ đầu năm đến nay. Ảnh NC

Ông Tạ Văn Lợi (66 tuổi, ngụ xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) chia sẻ: Gia đình ông có vườn dừa rộng 7.000 m2. Trước đây, vườn dừa cho thu nhập đều đặn khoảng 7 triệu đồng/tháng, đủ để gia đình ông sống ổn định.

Nhưng thời gian qua, vườn dừa của gia đình ông Lợi bị sâu đầu đen tấn công. Dù đã tốn 8 triệu đồng xịt thuốc, nhưng sâu vẫn phát triển rầm rộ. Sau hơn nửa năm bị sâu tàn phá, khu vườn gần như đã tan hoang.

"Mất thu nhập, tôi phải tìm việc làm thuê tại địa phương; còn con trai tôi đã lên Bình Dương làm thuê, nhưng việc làm không ổn định. Tôi lớn tuổi rồi, không làm nổi việc nặng, người ta trả công bao nhiêu cũng phải làm thôi". - ông Lợi nói.

Một vườn dừa phải đốn bỏ do sâu hại. Ảnh: CTV
Một vườn dừa phải đốn bỏ do sâu hại. Ảnh: CTV

Cùng chung cảnh khốn khó với ông Lợi, ông Mười (54 tuổi) ngụ cùng địa phương cũng không khá hơn khi vườn dừa mất trắng. "Tôi phun thuốc 3 lần rồi, nhưng không cứu được vườn dừa, đành bỏ thôi. Mấy ngày nay xung quanh đây người ta đốn dừa nhiều lắm, tôi cũng chờ hôm nào trời ngớt mưa thì đốn để trồng lứa mới", ông Mười chia sẻ.

Hiện tại, ngành nông nghiệp cùng bà con nông dân đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để phòng trừ sâu đầu đen. Theo đó, Sở NN&PTNT Bến Tre đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các địa phương tăng cường công tác điều tra để kịp thời phát hiện, khoanh vùng diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp UBND các huyện tăng cường công tác nhân nuôi ong ký sinh để phóng thích trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen bảo đảm phòng trừ hiệu quả và bền vững. 

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Bến Tre phóng thích hơn 147 triệu ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa. Trong 2 năm (2022-2023), toàn tỉnh phóng thích hơn 419 triệu ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa...