Chứng cứ giả mạo, nhưng tòa sơ thẩm… vẫn kết tội!
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ - Vệ sĩ Thiên Long (Công ty Thiên Long - PV) thành lập năm 2007, Trần Thị Tuyết được giao làm thủ quỹ. Tháng 8/2008, Công ty Thiên Long bán cho người khác, đổi tên thành Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ - Vệ sĩ Bảo Định (Công ty Bảo Định – PV), Tuyết tiếp tục làm thủ quỹ. Trong quá trình hoạt động, công ty nhiều lần thay đổi giám đốc, kế toán.
Từ ngày 1/7/2010 đến tháng 5/2012, giám đốc công ty chỉ đạo Tuyết cùng kế toán lập và quản lý 2 hệ thống sổ theo dõi quỹ tiền mặt, gồm: quỹ sổ 1 (các hoạt động có hóa đơn, chứng từ), quỹ số 2 (các hoạt động không có hóa đơn, chứng từ). Ngày 11/4/2013, Tuyết xin nghỉ việc. Lúc này các giám đốc (sau này) cho rằng thất thoát tiền trên quỹ số 1 là 716 triệu đồng, và yêu cầu xử lý hình sự đối với Tuyết, nhưng Tuyết báo tồn quỹ âm 15 triệu đồng.
Ngày 23/5/2014, Trần Thị Tuyết bị bắt tạm giam. Tháng 8/2015, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm, phạt Tuyết 12 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với số tiền 732 triệu đồng. Tuyết kháng cáo kêu oan.
Ngày 24/2/2016, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm. Tại tòa, Tuyết yêu cầu làm rõ các biên bản bàn giao quỹ trong các giai đoạn thay đổi giám đốc Công ty Bảo Định. Còn các luật sư bào chữa cho Tuyết khẳng định tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng, các chứng từ thu chi của Công ty Bảo Định không hợp pháp, cạo sửa, giả mạo… Vì vậy HĐXX phúc thẩm (lần 1) xác định tòa sơ thẩm chỉ lấy mốc thời gian từ ngày 1/7/2010 đến 11/4/2013 theo đơn tố cáo của Công ty Bảo Định để xác định các khoản thu chi của công ty để kết luận Tuyết chiếm đoạt tiền là chưa có cơ sở nên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra lại.
Đến tháng 4/2018, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm lần 2, vẫn tuyên phạt Tuyết 12 năm tù, buộc bồi thường 732 triệu đồng cho Công ty Bảo Định. Tuyết tiếp tục kêu oan, và tháng 8/2019 TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lần 2. Tại tòa, các luật sư của bị cáo Tuyết đề nghị HĐXX tuyên Tuyết vô tội. Bởi lẽ, vụ án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại nhiều lần nhưng cơ quan điều tra vẫn không thu thập được chứng cứ chứng minh tội phạm. Đối với 3 người đại diện của Công ty Bảo Định khi được HĐXX hỏi đã trả lời loanh quanh, cho rằng… không nhớ!
Cũng tại phiên tòa phúc thẩm lần 2, đại diện Viện KSND Cấp cao đề nghị hủy án, điều tra lại để làm rõ chứng từ, sổ sách bị mất, việc thu thập tài liệu chứng cứ chưa đầy đủ, không khách quan. Đại diện Viện KSND cũng đề nghị cho bị cáo Tuyết tại ngoại vì đã bị tạm giam hơn 5 năm (quá hạn tạm giam). Cuối cùng, HĐXX phúc thẩm lần 2 tiếp tục tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (lần 2) của TAND tỉnh Tiền Giang, để điều tra lại. Nhưng không tuyên cho bị cáo Trần Thị Tuyết tại ngoại.
Luật sư nộp 1 tỷ bảo lãnh Tuyết tại ngoại, nhưng không được!
Sau phiên tòa phúc thẩm lần 2, luật sư Phương Văn Thêm thuộc VPLS Phương Gia (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cùng một số luật sư bào chữa cho bị cáo Tuyết gửi văn bản kiến nghị được nộp 1 tỷ đồng ký quỹ để Tuyết được tại ngoại.
Văn bản của VPLS Phương Gia, có nội dung: Hiện bị cáo Tuyết đang bị tạm giam tại trại giam Tân Mỹ Chánh (Tiền Giang). Thời gian qua, VPLS đã được trụ trì chùa CONSĐÔN (ở ấp Bình Bảo, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu), đồng ý bảo lãnh bằng hình thức thế chấp quyền sử dụng đất số BĐ220317 và BĐ220321, có diện tích trên 34.000m2 cho VPLS lập hồ sơ đặt tiền để bảo đảm, bảo lãnh cho Trần Thị Tuyết theo quy định tại điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015. Số tiền quy buộc chiếm đoạt của Công ty Bảo Định là 732 triệu đồng, cùng với án phí là 33,4 triệu đồng. Với số tiền cáo buộc trên, VPLS Phương Gia xin nhận bảo lãnh bằng cách ký quỹ 1 tỷ đồng để Viện KSND có đủ căn cứ thay đổi biện pháp ngăn chặn cho Trần Thị Tuyết”.
Mới đây ngày 26/11, ông Hồ Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang ký văn bản trả lời, như sau: Viện KSND tỉnh Tiền Giang nhận được phiếu chuyển đơn của Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh về việc chuyển bản kiến nghị của luật sư Phương Văn Thêm cùng các luật sư tham gia bào chữa cho bị can Trần Thị Tuyết; Văn bản của VPLS Phương Gia về việc đặt tiền bảo đảm cho bị can Trần Thị Tuyết.
“Sau khi nghiên cứu các văn bản nêu trên, Viện KSND tỉnh Tiền Giang nhận thấy: Vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do bị can Tuyết thực hiện đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang thụ lý, điều tra theo quy định của pháp luật và vụ án có tính chất phức tạp cần phải được tiếp tục điều tra, làm rõ nên cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can Tuyết. Vì vậy căn cứ quy định tại các điều 109, 119, 122 và 125 BLTTHS, xét thấy không cần thiết thay thế biện pháp ngăn chặn đối với bị can Tuyết”, văn bản của Viện KSND tỉnh Tiền Giang, trả lời.
Việt Nam đã có chế định, sao không áp dụng?
Vấn đề đặt ra ở đây, vì sao cáo buộc Trần Thị Tuyết chiếm đoạt 732 triệu đồng. Nhưng khi luật sư dám bỏ ra 1 tỷ đồng ký quỹ bảo lãnh Tuyết tại ngoại, nhưng vẫn không được? Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nhận định: “Viện KSND tỉnh Tiền Giang căn cứ điều 109, 119, 122 và 125 BLTTHS năm 2015, từ chối việc đặt tiền để bảo đảm cho tại ngoại đối với bị cáo Tuyết là chưa thuyết phục. Bởi lẽ tại điều 109, 122 BLTTHS 2015 quy định một trong các biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam là đặt tiền để bảo đảm và tại điều 4 Thông tư liên tịch 06/2018/ TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 7/8/2018 quy định mức tiền đặt để bảo đảm là không dưới 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Cũng theo luật sư Ánh, trong khi bị cáo Tuyết được đặt bảo lãnh số tiền 1 tỷ đồng đã vượt quá mức quy định trên và vượt hơn 30% số tiền mà Tuyết bị cáo buộc chiếm đoạt (732 triệu). Thực tế, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân tốt, không tiền án tiền sự. Ngoài ra luật có quy định rõ bị can, bị cáo được đặt tiền bảo lãnh phải làm giấy cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối...; Trường hợp vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì bị tạm giam và tiền đặt bảo đảm sẽ bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
“Đây là vụ án dư luận quan tâm nhiều năm qua. Ngoài việc bị cáo kêu oan suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Điều đáng chú ý, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã 2 lần hủy cả 2 bản án sơ thẩm của tòa tỉnh Tiền Giang do không đủ chứng cứ buộc tội. Bị cáo đã bị tạm giam hơn 5 năm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng chết sớm, có con vị thành niên… Từ lâu các nước trên thế giới, cụ thể nước Mỹ đã có chế định đặt tiền bảo lãnh tại ngoại. Mức tiền bảo lãnh được luật quy định sẵn cho từng loại tội phạm. Ở nước ta chế định này cũng đã được quy định từ nhiều năm qua. Thiết nghĩ, Viện KSND tỉnh Tiền Giang cần xem xét khách quan, toàn diện, chấp nhận việc đặt tiền bảo lãnh đối với bị cáo Trần Thị Tuyết, vì điều này phù hợp pháp lý và đạo lý của người Việt Nam”, luật sư Trần Thị Ánh nêu quan điểm.