Bình Phước: hơn 150 học viên được tập huấn phòng, chống tác hại thuốc lá

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết với mong muốn mỗi cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên tại Bình Phước sẽ trở thành những tuyên truyền viên hữu ích, góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc lá vì sức khỏe cộng đồng.

Bà Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc Sở Y tế Bình Phước, phát biểu tại lớp tập huấn phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2024. Ảnh: BTC.

Bà Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc Sở Y tế Bình Phước, phát biểu tại lớp tập huấn phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2024. Ảnh: BTC.

Sáng 25/9, tại Hội Trường Chính trị tỉnh, Sở Y tế Bình Phước phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức lớp tập huấn phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2024.

Tham dự lớp tập huấn có bà Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước; ông Ong Thế Viên, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Đào tạo liên tục thuộc Tổng hội Y học Việt Nam; ông Vũ Thanh Tam, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Phước; cùng hơn 150 học viên, bao gồm đại diện lãnh đạo và cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện và sinh viên Trường Cao đẳng Bình Phước.

Phát biểu tại buổi tập huấn, bà Đỗ Thị Nguyên cho biết, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Bình Phước đã được thành lập từ năm 2014, với Sở Y tế là cơ quan tham mưu chính. Sau 10 năm triển khai, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, treo biển cấm hút thuốc tại các khu vực theo quy định và thực hiện nghiêm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá. Người dân cũng đã được phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá.

Hơn 150 học viên tham gia lớp tập huấn phòng, chống tác hại thuốc lá. Ảnh: BTC.
Hơn 150 học viên tham gia lớp tập huấn phòng, chống tác hại thuốc lá. Ảnh: BTC.

Theo bà Đỗ Thị Nguyên, tỷ lệ người hút thuốc lá tại Bình Phước đang có xu hướng giảm, hiện ở mức 21,6% (42,1% ở nam và 1,1% ở nữ). Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc tập trung nhiều ở các vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn chiếm 22,3%, trong khi thành thị chỉ chiếm 14,7%. Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc lá còn cao hơn ở những người có trình độ học vấn thấp: người chỉ có trình độ tiểu học hoặc dưới tiểu học chiếm 26,2%, trung học cơ sở là 21,2%, trung học phổ thông là 16,3%, và đại học hoặc sau đại học là 11,8%.

Ông Vũ Thanh Tam, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Phước trình bày kết quả triển khai thực hiện công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2023, kế hoạch hoạt động năm 2024 tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: BTC.
Ông Vũ Thanh Tam, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Phước trình bày kết quả triển khai thực hiện công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2023, kế hoạch hoạt động năm 2024 tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: BTC.

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được cung cấp thông tin về kết quả công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2023 và kế hoạch hoạt động năm 2024 tại tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, họ còn được học hỏi kinh nghiệm về việc xây dựng cơ sở y tế không thuốc lá, tìm hiểu về các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cũng như cách thức thực hiện luật này trong công tác y tế.

Các chuyên gia cũng chia sẻ về tác hại của thuốc lá truyền thống và thuốc lá mới đối với sức khỏe, mối liên hệ giữa việc hút thuốc lá và COVID-19, các phương pháp cai nghiện thuốc lá, và tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường sống không khói thuốc.

Theo các chuyên gia, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, bệnh tim mạch vành, ung thư phổi, và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Không chỉ gây hại cho sức khỏe của chính người hút, thuốc lá còn ảnh hưởng đến những người xung quanh qua việc hít phải khói thuốc thụ động, đồng thời làm gia tăng gánh nặng chi phí y tế và gây tác động tiêu cực đến môi trường sống.