Bộ LĐTB&XH đề xuất 3 nhóm đối tượng được tăng lương hưu từ 1/7/2024

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024, trong đó phân chia thành 3 nhóm đối tượng.

  1. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết thông tin trên tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), diễn ra vào chiều ngày 15/3.
Bộ LĐTB&XH đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024, phân chia thành 3 nhóm đối tượng. Ảnh minh họa.
Bộ LĐTB&XH đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024, phân chia thành 3 nhóm đối tượng. Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo: Sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu, phân chia thành 3 nhóm đối tượng.

Nhóm đối tượng đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu; hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc điều chỉnh lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách tiền lương để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi.

Nhóm đối tượng thứ hai là những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024. Đối với nhóm này, Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương hưu theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.

Nhóm đối tượng thứ ba là những người nghỉ hưu trước năm 1995 thì sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa. Đối với nhóm này, Bộ LĐTB&XH sẽ đề nghị Bộ Chính trị và các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ LĐTB&XH về đánh giá tác động của chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024 đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2% (từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng); tăng trợ cấp xã hội 38,9% (từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng).

Bộ Tài chính ước tính sơ bộ, nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng thêm so với dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện phương án đề xuất của Bộ LĐTB&XH là 17.276 tỷ đồng, vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định tối đa là 7.430 tỷ đồng.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTB&XH rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và cơ sở pháp lý tại: Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội, Khoản 11 mục III Nghị quyết số 28-NQ/TW, Khoản 2 Điều 6 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 9/12/2020, Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, Khoản 2.c Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ. Và việc điều chỉnh tăng cần bảo đảm mức tương đồng, công bằng giữa các nhóm đối tượng hưởng chính sách từ ngân sách Nhà nước; khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước; hỗ trợ các đối tượng có mức hỗ trợ thấp.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, xác định cụ thể các mức điều chỉnh để trình cấp có thẩm quyền quyết định các mức điều chỉnh trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.