Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 26/10, Quốc hội dành thời gian cả ngày làm việc để thảo luận tại tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Bảo đảm đồng bộ, thống nhất quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất
Thảo luận tại tổ 8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng (đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) thông tin về việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao.
Theo đại biểu, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh.
Về nâng cấp tuyến cao tốc 2 làn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong nhiệm kỳ này. Cá nhân Bộ trưởng đánh giá trước đây Quốc hội, Chính phủ quyết định triển khai 2 làn là hợp lý, vì thực tế nhiều tuyến trước đây lưu lượng xe rất thấp, sau một thời gian phát triển rất dài thì nhu cầu nâng cấp là đương nhiên.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đang nâng cấp các tuyến 2 làn lên 4 làn và một số tuyến 4 làn hạn chế lên đầy đủ và lớn hơn. Hiện, Bộ đang làm quyết liệt, một số tuyến đang triển khai đầu tư.
“Tuy nhiên, tôi muốn bổ sung thêm thông tin, kinh nghiệm quốc tế cho thấy không nhất thiết phải đường to, rộng. Thống kê nguyên nhân tai nạn, hơn 90% nguyên nhân đến từ ý thức người tham giao thông. Đường càng to ý thức không cao thì tai nạn càng thảm khốc” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và cho biết, cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phải có rất nhiều giải pháp, trong đó có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị mới thay đổi được thói quen, văn hoá giao thông.
Thảo luận tại tổ 18 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh), Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đề nghị có sự cân đối để các địa phương có điều kiện phát triển được giao thêm đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, qua đó nâng nguồn thu ngân sách nhà nước, tăng tỷ lệ điều tiết, hỗ trợ địa phương còn khó khăn. Đồng thời, cần bảo đảm quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất có sự thống nhất, trùng khớp nhau mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.
Cùng đó, khi điều chỉnh quy hoạch cần lưu ý việc triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đất giao thông sẽ tăng lên rất nhiều, đi theo đó giảm đất trồng lúa nên việc điều chỉnh hết sức cần thiết, nhất là đối với những địa phương có đường sắt tốc độ cao đi qua như Hà Nam sẽ có hành lang rất rộng phục vụ cho đường sắt, dẫn đến đất lúa giảm, các dự án khác sẽ phải dừng lại. Vì thế, việc điều chỉnh quy hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương là hết sức quan trọng.
Điều chỉnh Quy hoạch đất quốc gia cần tính đặc thù các địa phương
Thảo luận tại các tổ về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có đánh giá tác động của chính sách, tiếp tục rà soát, làm rõ nguyên nhân đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm sát với nhu cầu thực tiễn.
Đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị triển khai một số dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, đề nghị lưu ý quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch cần bảo đảm các định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước, rà soát kỹ nhu cầu sử dụng đất của địa phương và có phương án điều chỉnh phù hợp, chi tiết.
Các ý kiến cũng đề nghị cần làm rõ các tác động của phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng, bổ sung số liệu cập nhật để tăng tính chính xác và thuyết phục.
Từ tình hình thực tiễn tại địa phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân phản ánh khó khăn của địa phương trong việc bố trí tái định cư cho đồng bào bị ảnh hưởng sạt lở đất sau cơn bão số 3.
Cụ thể, việc xây dựng Khu tái định cư tập trung cần phải đảm bảo các quy định của Luật Đất đai hiện hành (phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thì phải được HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục công trình cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất,…) là không đảm bảo tính cấp thiết để giúp người dân tái định cư, ổn định cuộc sống ngay sau bão lũ.
Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét, có giải pháp căn cơ, có cơ chế đặc thù về thủ tục đất đai để giúp địa phương kịp thời giải quyết khó khăn khi chỉ đạo bố trí tái định cư cho người dân khu vực có nguy cơ sạt lở cao như: Trong trường hợp cấp bách, cho phép triển khai dự án xây dựng khu tái định cư mà không cần đáp ứng đầy đủ ngay các điều kiện như quy định trên, được thực hiện song song các thủ tục về đất đai.
Ngoài ra, có cơ chế cho phép địa phương bố trí tái định cư xen ghép, cho các hộ dân được làm nhà ở tái định cư trên đất lúa, đất rừng sản xuất, sau đó mới hoàn thiện thủ tục đất đai theo quy định để giải quyết tình trạng người dân phải ở trong các lều, lán trại dựng tạm trong thời gian dài.