Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thấy phiền hà với các loại văn bằng chứng chỉ

Công Thọ - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối giờ sáng ngày 7/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chịu trách nhiệm trả lời chính các nội dung liên quan đến lĩnh vực nội vụ, gồm: Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Trong quá trình Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo, Y tế sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình các nội dung liên quan.
Thời gian dành cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ bắt đầu từ cuối giờ sáng nay (7/11) đến 16h30 chiều.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, công tác cán bộ vấn đề rất quan trọng vì cán bộ là người xây dựng thể chế, chính sách, người tổ chức thực hiện và vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân. Vì thế, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ từ tuyển dụng bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo và thực hiện các chính sách cán bộ, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Bộ trưởng Nội vụ cũng khẳng định đã xử lý nghiêm các sai phạm về công tác cán bộ kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, việc thể chế hoá các chủ trương nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm thiếu đồng bộ, chậm đưa các chủ trương nghị quyết vào cuộc sống.

Bộ trưởng cho biết sẽ cố gắng tập trung giải đáp và chia sẻ ý kiến cùng với đại biểu Quốc hội thuộc các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. 

Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi thi nâng ngạch hay không?

Các đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang); Phùng Văn Hùng (Cao Bằng); Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông); Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên);... chất vấn các vấn đề: Bảo đảm biên chế y tế, giáo dục theo xu hướng tiến bộ trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay, nhất là biên chế giáo viên ở khu vực dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; vấn đề tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập; quan điểm của Bộ về việc sáp nhập 3 văn phòng cấp tỉnh; minh bạch việc thi nâng ngạch công chức, viên chức; có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi thi nâng ngạch hay không? 
 Phiên chất vấn ngày 7/11

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) phản ánh việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa rõ ràng, minh bạch, tồn tại nhiều bất cập, trong đó yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức.

Theo đại biểu Phúc, nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ tin học với thời gian học rất ngắn, nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ tin học không thực chất. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi học, thi chứng chỉ thì không sử dụng đến.

“Xin hỏi Bộ trưởng vấn đề này có hay không? Nếu có thì theo Bộ trưởng làm thế nào mới khắc phục được tính hình thức này? Liệu có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?”, đại biểu Phúc chất vấn.

Bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà

Trả lời đại biểu Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận, bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ.

Theo Bộ trưởng, không chỉ riêng trong thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức. Riêng quy định bổ nhiệm bây giờ yêu cầu tới 7 bằng cấp tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều. Nhưng vấn đề này không phải chỉ do mỗi Bộ Nội vụ đặt ra. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính được ban hành từ năm 1993. Đến bây giờ là hai mươi mấy năm rồi thì cũng cần phải sửa.

Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này khi để một quyết định hơn 20 năm không sửa, khiến thủ tục rườm rà. Bộ trưởng cam kết với Quốc hội, đến năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Bộ sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào.

Về vấn đề kiểm soát chất lượng các văn bằng, chứng chỉ, Bộ trưởng cho rằng, có nhiều cách như thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính; bài sát hạch bằng tiếng Anh không cần phải có văn bản. Sắp tới, Bộ sẽ áp dụng các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính quá nhiều mà chúng ta làm hậu kiểm là chính chứ không bắt buộc phải cung cấp cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Về yêu cầu trình độ tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ, viên chức trong thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, trong Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm.

Bộ trưởng cho rằng, tới đây vấn đề này cũng cần phải sửa, nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26 tức là phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế. Bộ Nội vụ kiến nghị từ cấp vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện quốc tế.

Bộ trưởng cũng hứa với đại biểu Quốc hội, sau khi Luật Cán bộ, công chức ban hành, sẽ xây dựng Nghị định mới với những quy định không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa. Đó là vấn đề đi vào thực chất, đạt được trình độ hay không để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình.

Không thể sáp nhập cơ học từ sở này qua sở khác

Về các chất vấn của ĐB liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ trưởng cho biết, thực hiện kết luận của cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ đã đề nghị các địa phương tạm dừng sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Chính phủ sẽ có nghị quyết thí điểm, chọn không quá 20% đơn vị hành chính để thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, thành và thực hiện đến năm 2021 rồi tổng kết.

"Thủ tướng rất băn khoăn vấn đề này, chúng ta không thể sáp nhập cơ học từ sở này qua sở khác", Bộ trưởng nói. Trước mắt Chính phủ chỉ quy định tiêu chí thành lập sở, phòng đặc thù và tiêu chí thành lập cơ quan bên trong sở.

Theo Bộ trưởng, căn cứ kết luận số 34 năm 2018 của Bộ Chính trị, các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ liên thông, ở cấp tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng. Hướng thí điểm thứ hai là hợp nhất cơ quan chuyên môn với ban Đảng, đang thực hiện tại 1 địa phương, giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh. Việc hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thì đã thí điểm mở rộng tới 11 địa phương.

(Tiếp tục cập nhật...)