Ngày 30/10, các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp và Anh đã ra tuyên bố chung về hoạt động hạt nhân của Iran, sau cuộc gặp riêng bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome (Italia).
Lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp và Anh hôm 30/10 đã ra tuyên bố chung về hoạt động hạt nhân của Iran. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố chung của bốn nước nhấn mạnh quyết tâm nhằm đảm bảo Iran không bao giờ có thể phát triển hoặc có được vũ khí hạt nhân, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc Tehran đẩy nhanh các bước phát triển hạt nhân trong khi ngừng đàm phán về việc quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Theo tuyên bố chung, Iran không có nhu cầu dân sự đối với việc sản xuất urani làm giàu mức độ cao và kim loại urani làm giàu và các hoạt động này đều quan trọng đối với các chương trình vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố chung lưu ý rằng tình hình hiện nay cần một giải pháp đạt được thông qua đàm phán để đảm bảo Iran và Mỹ quay trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận JCPOA và là cơ sở cho tiếp tục can dự ngoại giao nhằm giải quyết các điểm còn tranh cãi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thúc giục Tổng thống Iran nắm bắt cơ hội để Mỹ có thể quay trở lại thỏa thuận JCPOA nhằm ngăn chặn "sự leo thang nguy hiểm". "Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Ebrahim Raisi nắm bắt cơ hội này và hành động có thiện chí để các cuộc đàm phán có thể khẩn trương tìm ra kết quả. Đó là cách an toàn duy nhất để ngăn chặn sự leo thang nguy hiểm, điều sẽ không có lợi cho bất kỳ quốc gia nào" - tuyên bố chung cho biết.
Đầu tuần này, Tehran cho biết họ sẽ nối lại các cuộc đàm phán với các cường quốc trên thế giới vào tháng 11 tới về việc khôi phục thỏa thuận JCPOA sau 5 tháng gián đoạn.
Tiến trình đàm phán về việc Mỹ trở lại JCPOA hiện bị ngừng trệ sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 6 hồi tháng 6 vừa qua. Vòng thứ bảy, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, sẽ là vòng đàm phán đầu tiên nhằm hồi sinh JCPOA kể từ khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhậm chức vào tháng 8.
Thỏa thuận JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019. Sau khi nhậm chức vào tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden cam kết Mỹ sẽ trở lại JCPOA.
Tháng 4 vừa qua, các bên bắt đầu tiến hành đàm phán ở Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA. Tuy nhiên, Mỹ chỉ tham gia đàm phán gián tiếp. Các cuộc đàm phán tạm ngừng vào tháng 6 vừa qua do Iran có sự thay đổi về lãnh đạo sau cuộc bầu cử tổng thống. Kể từ khi ông Ebrahim Raisi lên nắm quyền thay người tiền nhiệm Hassan Rouhani, Chính phủ Iran đã bắt đầu xúc tiến đàm phán trở lại, đồng thời chỉ trích Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.