Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các nước chú trọng giải pháp tài chính kỹ thuật số

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại nhiều quốc gia, nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng cao do người tiêu dùng tìm cách duy trì mức sống và chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Các hình thức tín dụng kỹ thuật số, như thẻ tín dụng, vay cá nhân trực tuyến và dịch vụ cá nhân trở nên phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ và các nền kinh tế phát triển.

Hàn Quốc - xu hướng sử dụng thẻ tín dụng

Trái ngược với hoạt động sử dụng thẻ tín dụng còn khá mới mẻ ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, Hàn Quốc đã có truyền thống sử dụng thẻ tín dụng từ lâu.

Thống kê cho thấy, thẻ tín dụng là phương thức thanh toán được ưa chuộng nhất tại Hàn Quốc, chiếm tới 79,9% giá trị giao dịch tính đến giữa năm 2024. Dự kiến giá trị giao dịch sẽ tăng lên tới 1 nghìn tỷ USD trong năm nay. Thẻ ghi nợ chỉ chiếm 20,1% thị phần còn lại. Lý do chính cho sự phổ biến này là các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá và các chính sách hoàn tiền đi kèm với thẻ tín dụng.

Trong năm 2024, thị trường tín dụng tiêu dùng ở Hàn Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với sự gia tăng trong các khoản vay cá nhân và thẻ tín dụng. Người tiêu dùng Hàn Quốc có xu hướng gia tăng sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tài chính kỹ thuật số, gần đây nhất là xu thế "Buy Now, Pay Later" (mua trước, trả sau).

Bên ngoài Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ảnh: CEPS
Bên ngoài Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ảnh: CEPS

Tình trạng sử dụng nợ tín dụng để chi tiêu tiêu dùng ngày càng tăng khiến nhiều ngân hàng quốc doanh như KB Kookmin, Woori Bank, NongHyup Bank và Shinhan Bank liên tục phải tăng lãi suất. Hệ thống kiểm soát tín dụng tiêu dùng ở Hàn Quốc được điều chỉnh bởi nhiều cơ quan quản lý và quy định pháp luật nhằm bảo đảm an toàn và minh bạch.

Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc và Cơ quan Giám sát Tài chính đã áp dụng các biện pháp như thắt chặt quy định về tỷ lệ nợ trên thu nhập để kiểm soát tình trạng nợ.

Theo ông Kim Joo-hyun, Chủ nhiệm Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, các chính sách tín dụng tiêu dùng mới đã được ban hành và áp dụng từ đầu năm 2024: “Hệ thống mới giúp người vay giảm áp lực tài chính khi mức lãi suất được duy trì cố định và giảm khả năng gánh nợ quá mức”.

Chính phủ cũng đã sửa đổi "Đạo luật Sử dụng và Bảo vệ Thông tin Tín dụng" để thúc đẩy kinh tế dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng. Các quy định này yêu cầu các công ty fintech và dịch vụ phải bảo vệ an toàn dữ liệu tài chính cá nhân và tăng cường quyền riêng tư.

Hệ thống kiểm soát tín dụng tiêu dùng tại Hàn Quốc đang được củng cố mạnh mẽ, bảo đảm rằng hệ thống tài chính sẽ ổn định và bền vững, đồng thời giúp người tiêu dùng sử dụng tín dụng một cách an toàn và hiệu quả.

Mỹ - linh hoạt thích ứng theo thị trường

Theo báo cáo của công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey, thị trường tiêu dùng tại Mỹ đã khởi sắc và đạt mức cao nhất trong hai năm qua vào tháng 2/2024. Đó là kết quả từ sự ổn định trong thị trường lao động và nỗ lực của chính phủ nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Nỗi lo ngại về lạm phát hiện không còn quá lớn ở thời điểm hiện tại. Người tiêu dùng Mỹ dự kiến sẽ gia tăng chi tiêu cho các hoạt động không thiết yếu như du lịch và cải thiện chất lượng sống.

Tuy nhiên, để dự phòng trước rủi ro lạm phát quay trở lại và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhấn mạnh tầm quan trọng tích cực theo dõi thị trường và điều chỉnh mức tăng - giảm lãi suất theo diễn biến thực tế, đưa ra các quy định mới để thắt chặt điều kiện vay và giảm rủi ro.

Fed hiện đang giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng để bảo đảm an toàn tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Nhấn mạnh vai trò của việc điều chỉnh chính sách kịp thời, bà Lael Brainard, Phó Chủ tịch Fed cho biết: "Môi trường kinh tế hiện tại rất bất định và lộ trình chính sách sẽ phụ thuộc vào dữ liệu đầu vào".

Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) yêu cầu các công ty tín dụng cung cấp thông tin minh bạch và xử lý khiếu nại hiệu quả, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hoạt động tín dụng phạm pháp và thiếu minh bạch.

CFPB cũng tập trung vào giáo dục tài chính để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tránh các hành vi biến tướng trong lĩnh vực tài chính.
Sự phát triển của ngành công nghệ tài chính (fintech) mang lại nhiều phương án mới nhưng cũng đặt ra thách thức về phương pháp quản lý. Fed và CFPB đang hợp tác để theo dõi và điều chỉnh các hoạt động của các tập đoàn fintech, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.

Hệ thống kiểm soát tín dụng tiêu dùng tại Mỹ năm 2024 đang được củng cố mạnh mẽ, bảo đảm hệ thống tài chính ổn định và bền vững thông qua việc bổ sung tiêu chuẩn cho vay, cơ chế giám sát và đánh giá rủi ro, cùng với các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng; hướng tới mục tiêu giúp người tiêu dùng sử dụng tín dụng một cách an toàn và hiệu quả.

Châu Âu - đề cao phát triển bền vững

Thị trường tín dụng tiêu dùng ở châu Âu đang chuyển đổi mạnh mẽ do thay đổi hành vi người tiêu dùng, sự phát triển của công nghệ và sự gia tăng của thương mại điện tử.

Các giải pháp tài chính kỹ thuật số, đặc biệt phổ biến trong giới trẻ, và các công ty fintech đang cạnh tranh mạnh mẽ với các ngân hàng truyền thống nhờ vào tốc độ, tính cá nhân hóa và hiệu quả dịch vụ cao hơn. Mặc dù thị trường dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, các nhà quản lý cũng đối mặt với thách thức từ số hóa và cạnh tranh gia tăng.

Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) và Cơ quan Bảo hiểm và Lương hưu châu Âu (EIOPA) đã đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro tài chính. ECB thiết lập tiêu chuẩn cho vay nghiêm ngặt và giám sát các hoạt động tín dụng, bao gồm việc tăng cường quy định về lãi suất. EIOPA nhấn mạnh tầm quan trọng của số hóa và phát triển bền vững, đồng thời bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong cung cấp dịch vụ tài chính.

Ông Fabio Panetta, Thành viên Ban Quản trị ECB, thể hiện sự tự tin đối với mục tiêu của ECB trong tương lai: "Chúng ta cần điều chỉnh các chính sách của mình để thích ứng với biến động kinh tế và diễn biến địa chính trị toàn cầu, giúp giảm thiểu rủi ro tài chính".

Người tiêu dùng châu Âu vẫn lo ngại về lạm phát, ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của họ. Các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tiếp tục ảnh hưởng lớn đến xu thế hoạt động DN trong tương lai, với việc người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm bền vững và có trách nhiệm xã hội.

Hệ thống kiểm soát tín dụng tiêu dùng ở châu Âu năm 2024 đang được củng cố mạnh mẽ, bảo đảm sự ổn định và bền vững của hệ thống tài chính, đồng thời giúp người tiêu dùng sử dụng tín dụng một cách an toàn và hiệu quả.