Kinhtedothi-Gần đây, từ sự chỉ đạo quyết liệt của TP, các sở, ngành thuộc TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ để chủ động tháo gỡ khó khăn, có những cách làm hay để ngày càng nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính.
Tất cả nhằm mục tiêu góp phần xây dựng nền hành chính Thủ đô ngày càng hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập và phục vụ.
Áp lực vì một nền hành chính phục vụ
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, đặc thù là một lĩnh vực rất nhạy cảm liên quan mọi mặt đời sống người dân, áp lực hiện nay đối với ngành giáo dục Thủ đô chính là tăng dân số cơ học diễn ra nhanh, chủ yếu ở một số quận trung tâm, đặt ra nhiều bài toán cho ngành phải giải quyết, tham mưu cho TP để kịp thời có những chính sách đồng bộ nhằm đảm bảo quyền đến trường của trẻ em, nhất là trong tuyển sinh đầu cấp.
Hiện Hà Nội có 2.875 trường và 2,3 triệu học sinh, cứ mỗi năm TP đầu tư xây dựng 35-40 trường mới, nhưng trung bình mỗi năm tăng 40-60.000 học sinh, nên sự đáp ứng về cơ sở vật chất phục vụ nơi học tập cho người dân là một thách thức rất lớn, trên thực tế chưa đáp ứng được hết sự mong đợi của người dân nhất. Chính điều đó cũng là một nguyên nhân gây ra bức xúc của Nhân dân.
Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Xuân Lộc nêu ví dụ thực tế, có những hộ dân có hộ khẩu tạm trú nhưng không thể cho con học được đúng tuyến tại phường đó, do quy mô dân số có hộ khẩu thường trú trên địa bàn phường đã quá lớn so với số trường hiện có. Sự bức xúc trước tình trạng này cũng dẫn đến sự hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ công của ngành GD&ĐT Hà Nội những năm gần đây chưa đạt cao, khiến lãnh đạo ngành không khỏi băn khoăn, trăn trở.
Chính vì thực trạng đó, Sở GD&ĐT đã quyết tâm tham mưu với lãnh đạo UBND TP một loạt giải pháp, trong đó đề xuất TP chỉ đạo các quận, huyện, ngành, lĩnh vực quan tâm đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là quy mô trường lớp. Ví dụ tại quận Hoàng Mai, vừa qua lãnh đạo TP đã quyết liệt chỉ đạo quận thu hồi các khu đất trống, khu đất chưa sử dụng để dành xây dựng trường lớp phục vụ Nhân dân.
Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu TP chỉ đạo tăng cường ứng dụng CNTT trong tuyển sinh đầu cấp để tạo ông bằng, minh bạch và tiếp cận, giúp người dân không phải đi lại nhiều. Hệ thống tuyển sinh đầu cấp từ mầm non, lớp 1 tới lớp 6 trên toàn TP những năm gần đây đã thực hiện tốt việc sử dụng trên phần mềm Tuyển sinh đầu cấp (chưa có địa phương nào trên cả nước làm được), chính là một giải pháp của ngành GD&ĐT Thủ đô trong sử dụng dịch vụ công đảm bảo sự công bằng cho người dân.
"Bản thân cán bộ công chức viên chức vẫn nhận thấy những giải pháp của ngành chưa thực sự đáp ứng được hết sự mong mỏi của người dân vì trên thực tế, tốc độ tăng dân số quá cao, không ngừng đặt ra những khó khăn thách thức, đòi hỏi Sở GD&ĐT thời gian tới tiếp tục tham mưu TP chỉ đạo có sự vào cuộc chia sẻ đồng hành của mọi cấp, ngành, chính quyền địa phương. Đó là cùng tăng cường các hình thức tuyên truyền và đầu tư tăng quy mô trường lớp, nhằm đáp ứng được cơ bản về sĩ số, chỗ học cho Nhân dân trên địa bàn”- ông Hà Xuân Lộc bày tỏ.
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về chuyển đổi số (ảnh: Hà Linh)
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, là một trong những đơn vị có đối tượng phục vụ, với số thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) lớn nhất cả nước. Tính đến tháng 9/2023 trên địa bàn TP có hơn 108.000 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN, với số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 2 triệu người, BHXH tự nguyện hơn 78.300 người và BHYT là gần 7,8 triệu người. Mỗi tháng, BHXH TP phải giải quyết trên 1 triệu hồ sơ hành chính.Vượt qua nhiều khó khăn thách thức, BHXH TP đã chủ động triển khai đồng bộ hệ thống giải pháp để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đặc biệt về công tác tiếp nhận hồ sơ, luân chuyển, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp sử dụng lao động về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Thủ đô. Đại diện lãnh đạo BHXH TP cho hay, đến nay mọi TTHC của BHXH TP đã được giải quyết ở mức độ 3, 4; người dân hầu như không phải dùng hồ sơ giấy nữa. Quan trọng nhất, Sở đã minh bạch hóa mọi quy trình phục vụ, vì lãnh đạo Sở luôn xác định rõ, kỳ vọng của người dân là nộp hồ sơ thì phải được giải quyết. Tỷ lệ hồ sơ bị giải quyết chậm muộn của Sở hiện đã được giảm chỉ còn dưới 0,5% và Sở phấn đấu còn dưới 0,3% - trên 99% hồ sơ phải được giải quyết đúng và trước hạn.Bên cạnh đó, nếu trước đây, mỗi năm BHXH TP nhận được 500 - 600 phản ánh, kiến nghị thì năm nay chỉ còn nhận được gần 200 ý kiến, trong đó không phải là bức xúc mà chủ yếu chỉ là người dân thắc mắc do chưa hiểu các bước giải quyết TTHC. Các chỉ số đánh giá của người dân cơ bản là hài lòng, không có đơn thư khiếu nại tố cáo.Lãnh đạo BHXH TP khẳng định, để ngày càng nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp sử dụng lao động về thực hiện các chính sách bảo hiểm trên địa bàn TP, đơn vị sẽ duy trì nghiêm túc, hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC đảm bảo công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của đơn vị sử dụng lao động và cá nhân về các quy định TTHC.Đồng thời, sẽ tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc khách hàng cho lãnh đạo, viên chức và người lao động của tất cả đơn vị trực thuộc; tuyên truyền thực hiện cải cách TTHC theo hướng đơn giản hóa, dễ thực hiện để người dân và đơn vị sử dụng lao động là người chủ động thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm và chủ trương chính sách của Nhà nước về cải cách hành chính ở mọi cấp, ngành, địa phương.Chú trọng rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chínhĐối với ngành lao động-thương binh & xã hội cũng là một ngành rất đặc thù, có nhiệm vụ tham mưu UBND TP về chức năng quản lý Nhà nước với các lĩnh vực rất rộng, với rất nhiều đối tượng cần được sự quan tâm chăm sóc, quản lý. Trong lĩnh vực lao động, mỗi năm Sở LĐ-TB&XH Hà Nội phải giải quyết việc làm cho hơn 200.000 người, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài khoảng 15.000 người và đặc biệt giải quyết chế độ trợ cấp BHTN cho gần 90.000 người. Lĩnh vực người có công, hiện toàn TP có khoảng 800.000 người có công, chiếm 10% cả nước, trong đó 82.000 người hưởng trợ cấp hằng tháng.Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội khảo sát thực tế tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở LĐTB&XH Hà NộiVề lĩnh vực bảo trợ xã hội, toàn TP có khoảng 202.000 đối tượng bảo trợ xã hội, hơn 1 triệu người cao tuổi và 1,7 triệu trẻ em. Mỗi năm Sở tiến hành điều dưỡng khoảng 35.000 người có công với cách mạng theo chính sách của Trung ương, TP... Số lượng rất lớn đối tượng phải quản lý, chăm sóc, nên số lượng TTHC Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đang thực hiện lên tới 168 TTHC- là một trong những sở có số TTHC lớn nhất TP. Mỗi năm, tại Sở giải quyết hơn 40.000 hồ sơ hành chính, cùng đó tiếp nhận gần 500.000 hồ sơ giải quyết lĩnh vực BHTN. Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Tây Nam chia sẻ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp của ngành gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, có nhiều cụ, nhiều bác là đối tượng người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật ít am hiểu về CNTT cũng như quy trình TTHC, nên những điểm tiếp nhận giải quyết TTHC tại cấp xã gặp rất nhiều trở ngại.
"Cán bộ giải thích thuyết phục cả buổi sáng mà họ không nghe, không hiểu, không đồng ý; thậm chí nhiều trường hợp lên ngồi cửa phòng lãnh đạo Sở từ sáng đến chiều, vì đòi hỏi bằng được việc giải quyết TTHC cho mình, nhưng không đúng quy định"- ông Nguyễn Tây Nam bày tỏ.
"Thời gian tới, Sở sẽ tập trung các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Không như trước đây, trong 10 năm nay trở lại đây tại Sở không còn câu chuyện “ai không làm được việc thì sẽ cho làm việc tại bộ phận “một cửa”, để tránh tình trạng những cán bộ đó sẽ có có tư duy không tích cực, khi tiếp xúc với người dân tạo ra những hậu quả xấu. Thực sự bộ phận “một cửa” của Sở phải chọn người có đầy đủ đạo đức, năng lực và trách nhiệm; và không chỉ tại bộ phận này, mọi cán bộ công chức trong cả bộ máy của Sở đều được nâng cao chất lượng”- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam.
Trước muôn vàn khó khăn như vậy, nhằm nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp, hằng năm Sở đều triển khai khảo sát của riêng đơn vị. Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, năm 2021 Sở đã có sáng kiến triển khai phương pháp khảo sát trực tuyến bằng Google Forms thông qua link liên kết hoặc quét mã QR nhằm rút ngắn thời gian thực hiện khảo sát, hạn chế tập trung đông người mà vẫn đảm bảo phản ánh trung thực nội dung điều tra, được UBND TP ghi nhận. Từ đó, hằng năm chỉ số hài lòng của Sở đều đạt trên 95%.Đáng chú ý, trong năm 2021, Sở kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định thông qua phương án đơn giản hóa 22 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở (từ cấp Trung ương đến xã). Trong đó, 20 TTHC giảm từ 1 đến 3 ngày làm việc so với quy định và 2 TTHC giảm thành phần, lượng hồ sơ; chi phí ước tính tiết kiệm tới 2,2 triệu đồng/năm. Năm 2022, sau rà soát, các đơn vị đề xuất đơn giản hóa với 13/13 TTHC được tiến hành rà soát đánh giá, từ đó đã đơn giản được 1 thành phần hồ sơ, rút ngắn 1 ngày làm việc so với quy định.Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở kịp thời tham mưu trình và được UBND TP thông qua phương án đơn giản hóa với 34 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở, trong đó 31 TTHC giảm từ 0,5 đến 8 ngày làm việc so với quy định, 3 TTHC giảm thành phần và số lượng hồ sơ. Ước tính chi phí tiết kiệm được với 3 TTHC này là gần 1,6 triệu đồng/năm.