Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, đầu tư hình thành hệ thống các trung tâm đủ tầm và DN logistics có sức cạnh tranh cao là chìa khóa để logistics Việt Nam phát triển vươn tầm quốc tế.
Cơ hội trong tầm tay
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển ngành logistics Việt Nam trong tương lai?
- Việt Nam thuộc khu vực phát triển năng động, nơi luồng hàng giao lưu mạnh và nền kinh tế độ mở trên 200% nên có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ logistics. Theo báo cáo của Bộ Công Thương công bố tại “Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022” mới đây, ngành dịch vụ logistics đang có quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD và mức tăng trưởng 2 con số. Điều này cho thấy, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã từng bước khẳng định thương hiệu và vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.
Cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm logistics mới của khu vực là rất lớn và nằm trong tầm tay, nhất là logistics hàng hải và hàng không. Chẳng hạn như hàng hải, Việt Nam có tiềm năng vận tải biển rất lớn, lợi thế bờ biển dài. Riêng vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung trải dọc theo bờ biển dài 609km, Việt Nam sở hữu hệ thống cảng biển quan trọng như: Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn... cùng hệ thống sân bay quốc tế, đường sắt xuyên quốc gia, đường bộ gắn với nhiều hành lang kinh tế trong vùng.
Việt Nam có 38 hãng tàu container quốc tế và 10 hãng nội địa, chủ yếu đáp ứng vận tải quốc tế tuyến ngắn đến Singapore, Trung Quốc. Hay như vận tải hàng không Việt Nam đang phát triển thuộc hàng nhanh nhất khu vực. Tính đến nay, Việt Nam có 30 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng trong nước hoạt động, khai thác 68 đường bay đến 16 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hiện trạng các trung tâm logistics tại Việt Nam hiện nay ra sao thưa ông?
- Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành gửi Bộ Công Thương tổng hợp, hiện cả nước có tổng số 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng theo quy hoạch tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030 đang được các tỉnh, TP tập trung triển khai, kêu gọi đầu tư xây dựng (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Nông, Tây Ninh, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ).
Đáng chú ý, từ năm 2020 tiếp tục có sự chuyển đổi từ trung tâm logistics truyền thống sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn rất thiếu các trung tâm logistics hiện đại, quy mô lớn. Nhất là khi, chúng ta là nước có thế mạnh về nông nghiệp, xuất khẩu trái cây, thủy sản nhiều. Do đó, rất cần có các trung tâm logistics để sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm giảm thiểu hư hỏng, hao hụt bảo đảm điều kiện để xuất khẩu.
Đầu tư hình thành các trung tâm logistics quy mô lớn
Vậy theo ông đâu là những hạn chế, khó khăn nội tại của ngành logistics Việt Nam?
- Vấn đề nội tại lớn nhất chi phí dịch vụ logistics ở Việt Nam còn khá cao so với một số nước trên thế giới. Chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn thiếu những DN tiên phong tiến mạnh ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, trình độ nguồn lực logistics và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa tương xứng với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc có nơi còn chưa được phát huy hiệu quả và đồng bộ.
Tôi nói đơn cử như lĩnh vực hàng không, Việt Nam phải cần giải quyết một số vấn đề về hạ tầng như quá tải sân bay, thiếu bãi đỗ và cất cánh, hạ cánh. Chúng ta không thể dựa vào mạng lưới vận tải hành khách để phát triển vận tải hàng hóa hàng không mà cần đầu tư bài bản từ chính sách thu hút các hãng chuyên vận chuyển hàng, đội tàu bay chở hàng chuyên dụng. Đối với vận tải đường sắt thì cần lựa chọn, đầu tư các khu ga hàng hóa, bãi hàng có vị trí chiến lược là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, toàn bộ ga đường sắt đều là tài sản công nên việc nâng cấp, cải tạo chỉ thực hiện bằng vốn ngân sách, trường hợp đầu tư bằng vốn DN thì chưa có hướng dẫn, quy định pháp luật.
Ông có khuyến nghị giải pháp gì để Việt Nam sớm hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm logistics mới của khu vực?
- Theo tôi, để hiện thực hóa giấc mơ này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm như: Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng logistics; đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics; phát triển các trung tâm logistics có trình độ tự động hóa, hiện đại hóa lớn không thua kém các nước trong khu vực. Muốn làm được điều này cần có sự tham gia của Nhà nước để khơi thông những điểm nghẽn liên quan tới quỹ đất. Bởi thực tế hiện nay, nhiều địa phương chưa chú ý hoặc ít dành quỹ đất cho trung tâm logistics. Do vậy, cần có sự đồng bộ trong quy hoạch của tất cả các địa phương để dành quỹ đất cho trung tâm logistics. Các trung tâm logistics có quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, kết nối đa phương thức thì mới góp phần giảm được chi phí logistics.
Bên cạnh đó, cần sớm đưa vào vận hành các trung tâm logistics trên các hành lang kinh tế như: QL1A, đường Hồ Chí Minh, các hành lang kinh tế qua các cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia... Tiếp đó là xây dựng các khu công nghiệp logistics, cụm logistics để kết nối các địa phương nhằm thực hiện liên kết kinh tế, khai thác hiệu quả các tuyến hành lang kinh tế trên địa bàn, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh thu hút đầu tư logistics, gia công chế biến sâu sản phẩm để gia tăng giá trị hàng hóa, xuất nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương.
Khu công nghiệp logistics cần được xây dựng tại các trung tâm kinh tế, các điểm kết nối các loại phương tiện vận tải mà địa phương, vùng đang sở hữu như: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển, đường hàng không… và phải được quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, xây dựng với quy mô, như các khu công nghiệp hiện nay để thu hút các tập đoàn logistics của khu vực, thế giới, các DN logistics trong nước vào đầu tư, kinh doanh. các trung tâm logistics sẽ giảm tải cho cửa khẩu. Các trung tâm logistics này không chỉ có kho mát, kho lạnh để bảo quản nông sản trước khi xuất khẩu mà còn là địa điểm kiểm tra, thông quan hàng hóa. Việt Nam hướng đến trở thành trung tâm sản xuất lớn của thế giới nên logistics phải là lĩnh vực lớn cần đầu tư.
Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh
DN Việt Nam cần làm gì để nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giao thương xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thế giới?
- Trước hết, các DN logistics Việt Nam cần kết nối để trở thành đối tác của những công ty lớn trong các khối EU, CPTPP để liên kết để tham gia vào chuỗi cung ứng của họ. Bởi khi liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài, DN Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ công nghệ hiện đại của họ cũng như sự tiên tiến trong vận hành.
Muốn làm được điều này, các DN cần chuẩn bị rất nhiều nguồn lực như: Tài chính, cơ sở vật chất (kho, trạm giao nhận, xe vận tải nhỏ) để phục vụ thị trường nội địa, tiếp cận công nghệ hiện đại để đưa vào vận hành cũng như nâng sức cạnh tranh. Cùng với đó là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong ngành nhằm đón đầu cơ hội tiếp cận các DN nước ngoài. Các DN không nên chỉ ở trong nước đợi cơ hội đến mà cần chủ động tìm những đối tác để hợp tác bằng cách đặt văn phòng đại diện ở các quốc gia để tiếp cận trực tiếp với nguồn hàng.
Một điều đáng lưu tâm nữa là chúng ta cần tạo ra được các “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Khi “sếu đầu đàn” mạnh sẽ kéo cả ngành đi lên, bởi không DN nào có thể tự tin là cung cấp được toàn bộ một chuỗi dịch vụ từ A đến Z. Cần phải nói thêm, trong bối cảnh có nhiều DN logistics tham gia vào thị trường Việt Nam, DN nào dựa được vào công nghệ, ứng dụng công nghệ tốt sẽ là những DN có khả năng vượt trội, tăng sức cạnh tranh và vươn xa hơn. DN phải nhận biết được vị trí của mình để phấn đấu và vươn lên.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Sắp tới Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics với tầm nhìn dài hạn hơn so với kế hoạch hành động trước đây, đặt nền móng hỗ trợ cho các DN logistics Việt Nam để đồng hành với các DN xuất nhập khẩu vươn ra thị trường thế giới tốt hơn. Mặt khác, Chính phủ sẽ có những chính sách đòn bẩy về tín dụng để hỗ trợ vốn cho DN, cắt giảm và số hóa các thủ tục hành chính giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí.
PGS.TS Phạm Tất Thắng