Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quy định liên quan đến vấn đề cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị tại một số điều của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tập trung tại các Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 31 và Điều 39 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bảo tồn đi đôi với cải tạo, tái thiết đô thị

Công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đặt ra trong nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp tại Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm qua, để triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt được các mục tiêu đặt ra.

Công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đặt ra trong nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp tại Hà Nội trong nhiều năm qua
Công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đặt ra trong nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp tại Hà Nội trong nhiều năm qua

Các quy định liên quan đến vấn đề Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị tại một số điều của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tập trung tại các Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 31 và Điều 39 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Bên cạnh một số quy định kế thừa từ Luật Thủ đô 2012, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có một số nội dung được sửa đổi và bổ sung mới với những lý do, mục tiêu có tính đặc thù.

Cụ thể, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị (Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22). Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cụ thể yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW. Đặc biệt, quy định tại các Điều 19, Điều 20 và Điều 21 quy định rõ các công việc về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị như trong công tác quy hoạch phải chú ý tới các yếu tố về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, xây dựng không gian công cộng, phát huy các hình thái kiến trúc của các khu vực, công trình có giá trị văn hóa, lịch sử; phát triển không gian xanh, không gian ngầm.

Ngoài ra, quy định tại Điều 22 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định những nội dung đặc thù cho công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị Thủ đô. Quy định này là đột phá so với các quy định pháp luật hiện hành nhằm khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của Thủ đô. Quy định này khác với Luật Đầu tư công khi Thủ đô sử dụng ngân sách để hỗ trợ người dân chỉnh trang đô thị như quy định ở trên. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa, quy định này cần cho phép Nhà nước bằng kinh phí của mình hỗ trợ người dân trong việc cung cấp bản vẽ, thiết kế trong kho tư liệu của nhà nước về công trình hoặc thiết kế phục dựng của các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn.

“Cơ chế hỗ trợ đền bù tái định cư, di dời, chuyển đổi nghề nghiệp; Điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết trong khu vực nội đô lịch sử để tái thiết, tái khai thác giá trị, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị ở khu vực nội đô lịch sử” là một cơ chế có tính thúc đẩy công tác giãn dân trong khu vực nội đô lịch sử và cải tạo, chỉnh trang trong khu vực nội đô lịch sử.

Để có thể khai thác “không gian lịch sử văn hóa tại khu vực nội đô lịch sử theo quy định” theo yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW, Điều 22 đã đưa ra giải pháp về xây dựng “Danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử để phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị” và kết hợp với các giải pháp liên quan đến Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô nhằm bảo vệ di sản không gian đô thị đặc thù của Thủ đô là phố cổ, phố cũ của Hà Nội.

Các quy định sửa đổi tại Điều 22 cũng nhằm kết hợp giữa bảo tồn di sản văn hoá với công tác cải thiện đời sống dân sinh, nơi ở của người dân sống tại các biệt thự cũ, nhà cổ.

Quy định mới về Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử (Điều 22)

Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô là một giải pháp về tài chính nhằm thu hút nguồn vốn ở khu vực tư nhân đầu tư đóng góp và đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc ở khu vực nội đô lịch sử nói riêng và các công trình kiến trúc khác có giá trị về văn hóa và lịch sử.

Việc thành lập Quỹ bảo tồn bảo tồn khu vực nội đô lịch sử sẽ có nguồn tài chính để thực hiện các dự án bảo tồn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, còn có tác dụng nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Mô hình Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử là quỹ tài chính ngoài ngân sách, Nhà nước chỉ hỗ trợ việc hình thành vốn điều lệ và bảo đảm hoạt động ổn định ban đầu của quỹ. Hoạt động của Quỹ sẽ làm giảm gánh nặng về đầu tư của ngân sách Thành phố cho công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết khu vực nội đô lịch sử.

Phát triển nhanh các khu nhà ở xã hội

Quy định về phát triển nhà ở (Điều 31) là một quy định có tính kế thừa và sửa đổi Luật Thủ đô 2012 với những quy định đối với phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng trên địa bàn Thủ đô.

Trách nhiệm của chủ đầu tư phải hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi đưa công trình nhà ở vào khai thác sử dụng là quy định mới. Qua đó nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ của việc xây dựng nhà ở với việc xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, qua đó bảo đảm tốt nhất nhu cầu sinh sống, làm việc của người dân (Khoản 1 Điều 31). Quy định này là cần thiết để hạn chế các chủ đầu tư của các khu nhà ở thương mại chậm trễ trong việc phát triển đồng bộ hạ tầng khi đưa công trình nhà ở vào sử dụng.

Việc quy định việc phát triển nhà ở xã hội ở Thủ đô theo mô hình căn hộ chung cư và giao UBND Thành phố Hà Nội quyết định quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại điểm a khoản 2 Điều này là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 80 và khoản 1 Điều 81 Luật Nhà ở (sửa đổi) và đặc biệt phát huy được hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất khi xây dựng nhà ở xã hội, hạn chế được tiêu cực trong công tác xây dựng nhà ở xã hội.

Việc phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, thuận tiện ở ngoài đô thị trung tâm, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp với mục tiêu phát triển các tuyến đường sắt đô thị và các khu vực TOD. Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới khi phát triển đường sắt đô thị, khu vực TOD dọc các tuyến đường sắt cũng nhằm phát triển các khu vực sinh sống có chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện sống của người có thu nhập thấp và những người thuộc đối tượng của chính sách nhà ở xã hội.

Để bảo đảm chất lượng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của các khu nhà ở xã hội, điểm c khoản 2 Điều 31 cũng quy định việc bố trí vốn ngân sách Thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và “đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, UBND thành phố Hà Nội giao cơ quan, tổ chức thuộc Thành phố Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong phạm vi ranh giới của dự án”. Đây là những giải pháp có tính đột phá và đặc thù để Thủ đô Hà Nội có thể phát triển nhanh các khu nhà ở xã hội tập trung, đầy đủ các điều kiện về hạ tầng.

Ngoài ra, điểm b khoản 2 Điều 31 cũng quy định cụ thể về công tác lập quy hoạch nhằm ngắn thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết so với thực hiện tuần tự theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị để có thể đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…