Nghiên cứu giải trình, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Cùng dự Hội nghị, có các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự tại 63 điểm cầu.

Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024. Ảnh: PLVN
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024. Ảnh: PLVN

Dự Hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên; lãnh đạo các sở, ngành của TP.

Thông qua 16 dự án Luật, 5 Nghị quyết

Tại hội nghị, các đại biểu được xem video clip báo cáo công tác năm 2023. Theo đó, tiếp nối những kết quả đạt được của những năm đầu nhiệm kỳ, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, đáng chú ý, năm 2023, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án Luật, 5 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành gần 3.800 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.600 VBQPPL cấp huyện và hơn 1.700VBQPPL cấp xã…

Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7

Phát biểu tại điểm cầu UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong công tác phối hợp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), UBND TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp tổ chức lấy ý kiến các các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học... hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định; Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã họp phiên toàn thể về thẩm tra Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo đó đã khẳng định dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 6.

Nghiên cứu giải trình, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 1
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại điểm cầu UBND TP Hà Nội
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại điểm cầu UBND TP Hà Nội

Ngày 10/11/2023, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã báo cáo Dự thảo Luật Thủ đô trước Quốc hội, 19 tổ đại biểu đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thủ đô. UBND TP Hà Nội tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hòa giải ở cơ sở được quan tâm đảm bảo thực hiện theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả. Trong đó, đã tham mưu Thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các hình thức tuyên truyền pháp luật với nội dung phù hợp, kịp thời phổ biến các VBQPPL mới của Trung ương, nhiệm vụ chính trị của Thành phố; phối hợp với Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.

Triển khai kịp thời, toàn diện các nhiệm vụ công tác Tư pháp

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, của Thành ủy, HĐND TP Hà Nội; triển khai kịp thời, toàn diện các nhiệm vụ công tác Tư pháp trên địa bàn Thủ đô. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động số 18- CTr/TU của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kế hoạch số 189/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai kịp thời các nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng kiến nghị Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị thuộc Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Ngoài ra, tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp thực hiện thống nhất, đồng bộ triển khai kịp thời các nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Tiếp tục chỉ đạo xây dựng, nâng cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp, góp phần vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành Tư pháp đạt được trong năm 2023 và kết quả công tác giữa nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời đề nghị, năm 2024, ngành Tư pháp tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, xây dựng thể chế đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra.

Đặc biệt, ngành cần quan tâm nâng cao chất lượng thi hành pháp luật; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân dưới nhiều hình thức, đưa pháp luật vào cuộc sống. Thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong xây dựng pháp luật.

Ngoài ra, tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương, trong đó chú trọng hiệu quả hợp tác với các đối tác láng giềng; thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.