Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần đồng bộ các giải pháp trợ lực doanh nghiệp

Theo Nguyễn Vũ - Hải Anh/PL&XH
Chia sẻ Zalo

Mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng trong thời gian qua nhưng tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều thách thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, người dân còn nhiều khó khăn.

Cần có giải pháp căn cơ, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp  
Cần có giải pháp căn cơ, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp  

Để hỗ trợ cộng đồng DN, ngoài giải pháp thời điểm như thuế, phí, cần có giải pháp căn cơ, dài hạn là tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực cho DN.

Giải bài toán thiếu vốn và làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh

Theo báo cáo, năm 2024, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm 2023… Tuy nhiên, trong đó nổi lên là các vấn đề như tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần; đầu tư tư nhân giảm đáng kể so với giai đoạn trước; số DN rút lui khỏi thị trường tăng; tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu, với tình hình này thì việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 6% đến 6,5 % là vô cùng thách thức. Để hỗ trợ cộng đồng DN, ngoài giải pháp thời điểm như thuế, phí, cần có giải pháp căn cơ, dài hạn là tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực cho DN.

Ông Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng: Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, áp lực cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa, áp lực tỷ giá và vàng trong nước đang ở mức cao, kéo theo duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Do vậy, cần tập trung chính sách tiếp tục miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí, gói hỗ trợ thông qua các khoản thuế, phí như giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ nền kinh tế. Bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang phát huy hiệu quả, kích thích sản xuất, hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục quan tâm tới áp lực về lạm phát trong năm 2024, thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho DN thực sự hiệu quả.

Ông Nguyễn Như So, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh chỉ rõ, DN hiện nay vẫn phải đối mặt với những khó khăn về đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn, thiếu lao động có kỹ năng. Những năm qua các DN không đủ sức khỏe đã bị loại khỏi thị trường. Chỉ những DN đủ tiềm năng về tài chính lẫn sức mạnh khoa học công nghệ mới chống chọi. Vì thế, các giải pháp về vốn, thuế, phí chỉ mang tính thời điểm, còn về dài hạn, giải pháp căn cơ, then chốt vẫn phải tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực cho DN yên tâm đầu tư. Đây là hình thức hỗ trợ ít tốn kém nhất nhưng có tác động lan tỏa.

Đồng thời, cần xây dựng chính sách, chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực. Xây dựng cơ chế trọng dụng các nhà khoa học và thí điểm chính sách ưu đãi cho DN có tổ chức đào tạo lao động và sử dụng 50% lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Ưu tiên tập trung nguồn lực Quốc gia cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc biệt là phát triển đào tạo và thu hút, sử dụng hiệu quả nhân lực khoa học công nghệ.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần quyết liệt giải quyết bài toán thiếu vốn và làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh cho DN. Cần tiếp tục linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, lấy DN và người dân làm trung tâm hỗ trợ một cách thực chất, tiếp sức cho DN, giúp DN tiếp cận một cách nhanh chóng, kịp thời và có sức lan tỏa.

Thêm giải pháp mạnh mẽ

Đánh giá về nền kinh tế nước ta trong thời gian qua có nhiều điểm mạnh trong năm 2023, mặc dù tình hình thế giới có nhiều khó khăn tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ đã nỗ lực điều hành, chỉ đạo triển khai các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, hoàn thành được 10/15 chỉ tiêu. Trong đó, các khu vực công nghiệp, xây dựng, nông-lâm-thủy sản, dịch vụ dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định cán cân thương mại. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, dù chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực (một số nước thậm chí ghi nhận tăng trưởng âm).

Nhưng những tháng còn lại năm 2024, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhất là khi tình hình kinh tế nước ta luôn chịu tác động từ tình hình kinh tế bên ngoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần có các kịch bản phù hợp, đánh giá để có chỉ đạo linh hoạt. Triển khai các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành sớm các nghị định, thông tư để hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả các luật căn bản của thể chế kinh tế thị trường như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… đã được Quốc hội thông qua. Cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến khó lường...

Về ổn định kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể về thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn 2024-2025, rà soát, bổ sung, quan tâm đúng mức đến củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực hiện nay.