Đó là một trong những mục tiêu đáng chú ý trong Đề án "Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030" vừa được Chính phủ có quyết định ban hành. Như nhiều ý kiến nhận định, việc đặt mục tiêu và triển khai các giải pháp để nâng trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, nhưng vấn đề làm sao để tránh hình thức cũng là bài toán cần tính đến.
Trong Đề án vừa được ban hành, các mục tiêu để phấn đấu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí, việc làm và khung năng lực theo quy định cũng được chỉ rất rõ. Ví như, đến hết năm 2025, 50% cán bộ, công chức ở T.Ư; 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương, mà tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên.
Ở cấp xã, 20% cán bộ, công chức xã và 15% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên…
Đề án cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ (bao gồm cả đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến online) cho cán bộ, công chức, viên chức theo tiếp cận chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu chung và yêu cầu thực thi nhiệm vụ công vụ…
Có thể nói rằng, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc biết ngoại ngữ là kỹ năng tối thiểu không chỉ của cán bộ, công chức, đặc biệt những người làm việc ở chức vụ cao, còn trẻ. Hay nói khác đi những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học, bằng cấp... là những yêu cầu cơ bản, hành trang cần có của một cán bộ công vụ hiện đại, để làm việc trong môi trường quốc tế.
Bởi thực tế cũng đã chứng minh, nhiều cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ tốt, đã phát huy tốt năng lực trong nhiều lĩnh vực, mang lại hiệu quả làm việc tốt hơn. Nhiều địa phương cũng đã chủ động có kế hoạch, mở các lớp bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ cho cán bộ quản lý, đặc biệt là ngoại ngữ giao tiếp.
Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, những lo ngại về việc hình thức hay bằng cấp hóa cũng được đưa ra. Bởi thực tế, dù là cán bộ, công chức làm công tác quản lý, không phải vị trí việc làm nào cũng cần và thường xuyên sử dụng đến ngoại ngữ. Nhưng khi đã trở thành mục tiêu cần phấn đấu, bằng cấp cần có để đảm bảo chỉ tiêu, sẽ dẫn đến bệnh thành tích, “tìm cách để có một chứng chỉ hợp thức hóa”.
Những lo ngại này không phải không có cơ sở, bởi không chỉ dừng ở ngoại ngữ, thực tế lâu nay, để cho đủ điều kiện về mặt hồ sơ, nhiều cán bộ vừa làm việc, vừa dành thời gian đi học các loại chứng chỉ khác nhau một cách đối phó... nên chất lượng chứng chỉ không thực chất. Bản thân người học cũng không để tâm học bởi dù có học nhưng học xong không dùng đến, không mang lại lợi ích, thuận tiện cho công việc.
“Suy cho cùng, việc học đó không dùng vào việc gì, cái lợi chỉ là một số trung tâm đào tạo cấp văn bằng chứng chỉ giả hưởng lợi”, như có đại biểu Quốc hội đã phân tích.
Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, nhưng từ đề án của T.Ư khi áp dụng vào thực tế các đơn vị cũng cần tránh máy móc, hình thức. Đồng thời, việc coi trọng “khảo nghiệm” trình độ thực tế hơn tấm chứng chỉ nộp kèm hồ sơ cũng cần tính đến.