Sự việc thứ nhất, có tầm ảnh hưởng rộng hơn, theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hồ Chí Minh, từ 3/12, CSGT sẽ làm việc 24/24 giờ, người dân vi phạm luật giao thông đều sẽ bị kiểm tra, xử phạt bất kể ngày đêm.
Điều đó cũng có nghĩa là người tham gia giao thông cần luôn luôn chấp hành nghiêm luật giao thông, đã uống rượu bia là không lái xe, chứ không phải canh giờ nào có CSGT lập chốt mới chấp hành.
Trước đó, sau hơn một tuần (từ 24/11 đến 2/12) ra quân kiểm tra, xử lý người vi phạm nồng độ cồn 24/24 giờ trong ngày, Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh đã tổng hợp, đánh giá thực tế để điều chỉnh phương án đo nồng độ cồn cho phù hợp tình hình.
Trong khi quyết định này của Công an TP Hồ Chí Minh tuy được đông đảo người dân ủng hộ, nhưng cũng không khỏi có những ý kiến ngược chiều thì ở Hà Nội xảy ra một sự việc khác, ở phạm vi hẹp hơn.
Đó là câu chuyện rạng sáng ngày 4/12, một cô gái lái ô tô đâm đổ tường ngôi nhà cổ trên phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 3 giờ ngày 4/12. Thời điểm đó, ô tô Mercedes màu trắng BKS Hà Nội lưu thông theo hướng Hàng Bạc đi Hàng Ngang - Hàng Đào. Khi đến trước số nhà 47, ô tô bất ngờ lao vào ngôi nhà trên.
Cú đâm khiến bức tường gạch phía ngoài đường số nhà 47 Hàng Bạc vỡ vụn. Đầu xe Mercedes bị hư hỏng, mắc kẹt trong đống gạch đổ. Bên cạnh tính chất hy hữu của nó, điều khiến dư luận càng quan tâm là số nhà 47 Hàng Bạc là ngôi nhà cổ nhất phố cổ Hà Nội, xây dựng từ năm 1880, là một trong 538 ngôi nhà thuộc diện bảo tồn, có tuổi đời hơn 100 năm tuổi.
Sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã phong tỏa khu vực, đồng thời chống đỡ phần mái nhà lên để tránh đổ sập. Lực lượng chức năng xác định, tài xế gây tai nạn là chị B.T.L, 20 tuổi, ở phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội có 2 quốc tịch, Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Có khá nhiều ý kiến bình luận xung quanh vụ tai nạn này, song đều thống nhất đây là vụ vi phạm khá nghiêm trọng, bởi vô tình hủy hoại một công trình kiến trúc cần được bảo tồn.
Qua kiểm tra, nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,378 mg/lít khí thở. Đó là mức vi phạm khá cao, có lẽ nữ tài xế cho rằng vào thời điểm đó CSGT đã không tổ chức kiểm tra nồng độ cồn.
Cũng cần nói thêm, nữ tài xế vi phạm ở mức thứ 3, trong 4 mức theo quy định, mà theo một số người là chưa cao, nhưng vẫn gây ra tai nạn. Sự việc cũng làm liên hệ tới câu chuyện thời gian gần đây, trên diễn đàn Quốc hội và cả các trang mạng xuất hiện những ý kiến tranh luận việc quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Chiều 24/11, thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có đại biểu bày tỏ quan điểm băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về việc khi tham gia giao thông có được có nồng độ cồn hay không và cho rằng rượu khi uống nhiều quá mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi, uống ít thì có lẽ cũng chưa có ảnh hưởng.
Ngược lại, nhiều đại biểu ủng hộ nên quy định cấm trong luật khi cho rằng tác hại của người tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn là rất lớn, 50% tai nạn nghiêm trọng có nguyên nhân là từ việc người tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn.
Tuy diễn ra vào các thời điểm, không gian và với các đối tượng khác nhau, nhưng xem ra các sự việc kể trên có một điểm chung: thêm một lần chứng minh quy định của TP Hồ Chí Minh về việc CSGT sẽ làm việc 24/24 giờ cũng như quy định cấm tuyệt đối việc có nồng độ cồn trong khi điểu khiển phương tiện giao thông là cần thiết và xác đáng.