Canada với cách nhìn mới

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Canada là quốc gia mới đây nhất tung ra chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong văn bản chiến lược dày 26 trang vừa được Thủ tướng Canada Justin Trudeau công bố, Canada đánh giá khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đóng vai trò rất quan trọng đối với tương lai của nước này.

Một trong những nội dung cơ bản của chiến lược là Chính phủ Canada chi 1,65 tỷ Euro trong khoảng thời gian 10 năm tới để tăng cường sự hiện diện và hoạt động của Canada ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác với 40 quốc gia trong khu vực.

Giống như chiến lược của Mỹ, EU, Anh hay các nước khác trong khối phương Tây cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chiến lược của Canada cũng nhằm đối phó Trung Quốc ở mức độ xác định Trung Quốc là thách thức lớn về kinh tế, an ninh và quân sự. Chiến lược của Canada chủ trương tranh thủ, liên thủ các nước và các đối tác trong khu vực.

Điều khác biệt lớn nhất là Canada dùng chiến lược này để đối phó tình trạng bị Mỹ gây khó và khó lường trong quan hệ với Mỹ. Trên thực tế, Canada bị lệ thuộc ở mức độ lớn vào trao đổi thương mại với nước láng giềng này. Mỹ chiếm tỷ trọng 68% trong toàn bộ ngoại thương của Canada trong khi Trung Quốc chỉ có được khoảng 7%.

Tuy Mỹ, Canada và Mexico đã có thỏa thuận về thương mại nhưng Mỹ thực thi quan điểm chính sách chặt chẽ chứ không thông thoáng trong quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại với Canada. Mỹ và Canada lại không có cùng cách hiểu về thương mại tự do.

Trong bối cảnh tình hình như thế, chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn nhằm mục tiêu giảm mức độ lệ thuộc của Canada vào quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ. Qua đó giảm rủi ro và tổn hại đối với Canada từ chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ. Vì thế, đối tác xa được tìm đến để bù cho những gì không thể có được từ láng giềng gần.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần