Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu truyền hình đặc biệt “Sống mãi với Thủ đô”

Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 15/12, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Đài PT-TH Hà Nội thực hiện cầu truyền hình đặc biệt “Sống mãi với Thủ đô”.

Cầu truyền hình đã tái hiện sống động không khí sục sôi của 60 ngày đêm Hà Nội kiên cường chiến đấu giữ chân địch để Trung ương an toàn rút lên chiến khu Việt Bắc, mở đầu cuộc kháng chiến 9 năm.
 Các đại biểu tham dự cầu truyền hình
Tới dự tại điểm cầu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (điểm cầu Cột Cờ) có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; cùng đại diện các cơ quan trung ương, Hà Nội, các sở, ban, ngành, đoàn thể...
Tại điểm cầu Chợ Đồng Xuân, tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; cùng đại diện các cơ quan trung ương, Hà Nội, các sở, ban, ngành, đoàn thể...
 Một tiết mục văn nghệ được dựng lại tại cầu truyền hình
Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa bình nhưng ký ức về những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946 vẫn luôn in sâu trong tâm trí bao người con đất Việt.

Cầu truyền hình đặc biệt “Sống mãi với Thủ đô” đã làm sống lại những ký ức không thể nào quên về 60 ngày đêm Hà Nội kiên cường chiến đấu giữ chân địch để Trung ương an toàn rút lên chiến khu Việt Bắc, mở đầu cuộc kháng chiến 9 năm, mà ở đó những chiến sĩ vệ quốc luôn giữ trọn lời thề “Sống mãi với Thủ đô”.
 Lãnh đạo TP và Chính phủ tặng hoa ekip sản xuất và nghệ sĩ tham gia chương trình
Thông qua chương trình, khán giả được lắng nghe, trở lại những năm tháng hào hùng của Thủ đô qua lời kể của những nhân chứng lịch sử và thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật ý nghĩa, gắn liền với những thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc. Với hai điểm cầu - hai địa danh lịch sử là Cột cờ Hà Nội và Chợ Đồng Xuân, cầu truyền hình “Sống mãi với Thủ đô” mang đến cho khán giả những cảm xúc đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến.
 Hoạt cảnh trong đại kịch phục dựng
Chương trình tái hiện những ngày tháng hào hùng của dân tộc tại 2 điểm cầu được chia thành 3 chương, với 14 đại kịch phục dựng: Chương I - “Lời Hịch non sông”; chương II - “Lũy hoa” và chương III - “Về Thủ đô”.
Với chủ đề "Lời Hịch non sông", chương I được mở màn bằng các tiết mục ca múa và biểu diễn, tái hiện cảnh Hà Nội thanh bình với hình ảnh những cô gái làng hoa Ngọc Hà gánh hoa trong trang phục áo nâu sồng, những người lính thời kì kháng chiến chống Pháp cầm cờ trên đỉnh toà tháp cột cờ Hà Nội.
 Khán giả tham dự chương trình đã giao lưu với Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Các đại kịch phục dựng trong Chương I tái hiện việc chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ đã được tính toán; làng Vạn Phúc, Hà Đông, đêm 18/12/1946, một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự có giá trị lịch sử xuyên thời đại được soạn thảo - Hịch non sông; hình ảnh tái hiện cảnh các anh em tự vệ tập trung trong một ngôi nhà, phân phát vũ khí, súng và lựu đạn...
 Tiết mục tại cầu truyền hình Sống mãi với Thủ đô
Chương II với chủ đề "Lũy hoa" mở màn bằng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính thức được Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi vào ngày 20/12/1946, đánh dấu mốc lịch sử khởi đầu cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ nền độc lập, hòa bình của dân tộc: "Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
 Tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu
Các đại kịch phục dựng của Chương II là hình ảnh về các chiến sĩ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với súng và bom ba càng; các chiến sĩ vệ quốc đoàn và tự vệ đang trò chuyện bên chiến lũy được dựng lên từ bao cát và bàn ghế, đồ đạc gia đình... Trong 60 ngày đêm khói lửa, được ở lại, chiến đấu và sống chết với Thủ đô chính là vinh dự của mỗi người Hà Nội.
 Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương giao lưu với khán giả
Chương III - “Về Thủ đô”: Gồm các đại cảnh kịch phục dựng về việc thành lập “Trung đoàn Thủ đô". Trong thế khốn cùng, giặc vây tứ phía, người Hà Nội vẫn ăn Tết, một cái Tết giữa 4 bề bom đạn, giữa sinh - tử, mất - còn...
 Hình ảnh trong đại kịch phục dựng
Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà còn bảo toàn được lực lượng, làm nên một cuộc rút lui thần kỳ sau 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” để 9 năm sau ca khúc khải hoàn chiến thắng.
70 năm trôi qua, phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của Thủ đô, giá trị ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã viết nên trang sử hào hùng, góp phần làm rạng danh non sông đất nước. 

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội một lòng đoàn kết xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng truyền thống vẻ vang của một Thủ đô anh hùng, thành phố Vì hòa bình.
 Bà Nguyễn Thị Bích Thuận - Cán bộ phụ trách Hội phụ nữ Cứu quốc Liên khu II, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ
 Chương III của đại kịch phục dựng mang tên "Về Thủ đô"
 Phần múa minh họa cho Thủ đô huyết thệ
 Trung tá Phùng Đệ nhớ lại những ký ức của 70 năm về trước
Hình ảnh ấn tượng tại Cầu truyền hình
 Tiết mục được dàn dựng công phu, gợi ký ức hào hùng của dân tộc cho khán giả